Đi tù có phải trả nợ không?

Đi tù có phải trả nợ hay không? Bố tôi vay 1 tỷ để kinh doanh làm ăn nhưng do ảnh hưởng của dịch covid nên không có khả năng chi trả. Do làm ăn thất bại nên bố tôi suốt ngày đi nhậu và luôn trong tình trạng say xỉn nên đã gây ra tai nạn giao thông rất nghiêm trọng và có thể đi tù. Cho tôi hỏi, bố tôi nếu đi tù thì có phải trả nợ nữa không? Trả nợ bằng cách nào? Tôi cảm ơn anh chị Luật sư đã tư vấn.

Đi tù có phải trả nợ hay không?

Theo Điều 44 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tước một số quyền công dân như sau:

1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Mặt khác, Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 280 Bộ luật này quy định nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thoả thuận.

Như vậy, việc bố bạn có thể đi tù không liên quan đến việc xóa đi khoản nợ 1 tỷ đồng mà bố bạn đã vay trước đó (trừ khi các bên có thỏa thuận khác).

Trả nợ khi đi tù bằng cách nào?

Căn cứ theo Điều 354 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hoãn thực hiện nghĩa vụ như sau:

 

1. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo.

2. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn.

Việc hoãn trả nợ này phải được người cho vay đồng ý.

Ngoài ra, theo Điều 283 Bộ luật này thì khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể uỷ quyền cho người thứ ba thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, bên có nghĩa vụ vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Theo đó, bố của bạn có thể hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc ủy quyền cho người khác trả nợ thay mình số tiền 1 tỷ mà bố bạn đã vay.

Trân trọng!

Nguyễn Minh Tài

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào