Quy định chung về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia như thế nào?
Quy định chung về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia
Căn cứ Điều 4 Thông tư 03/2020/TT-BTNMT quy định chung về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia như sau:
1. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm các trạm định vị vệ tinh quốc gia và trạm điều khiển xử lý trung tâm được kết nối với nhau qua internet đảm bảo việc thu nhận dữ liệu được liên tục, ổn định.
2. Trạm điều khiển xử lý trung tâm bao gồm trung tâm dữ liệu và phòng điều khiển được kết nối với nhau qua hệ thống mạng LAN có chức năng xử lý, tính toán, cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ, định vị, dẫn đường độ chính xác cao, nghiên cứu khoa học.
3. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được xây dựng đồng bộ, phủ trùm trên toàn quốc trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000, hệ độ cao quốc gia; được tính toán xác định tọa độ thường xuyên, liên tục theo ngày trong hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF; được xác định giá trị trọng lực và sự biến thiên của giá trị trọng lực với chu kỳ đo lặp 10 năm/lần.
4. Mô hình Geoid phục vụ cho việc xác định độ cao thủy chuẩn là mô hình Geoid được xây dựng phù hợp với lãnh thổ Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đồng thời với việc cung cấp các dịch vụ của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia. Độ cao thủy chuẩn h = H-N (trong đó H là độ cao trắc địa, N là độ cao Geoid được nội suy từ mô hình Geoid nói trên).
5. Một số trạm định vị vệ tinh quốc gia ven biển cần được liên kết với trạm hải văn gần nhất để có số liệu quan trắc mực nước biển phục vụ việc thiết lập hệ độ cao quốc gia, chính xác hóa mô hình Geoid, quan trắc sự dâng lên của nước biển.
6. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia phải có khả năng mở rộng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng, đảm bảo tính tương thích với hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của các hệ thống định vị, dẫn đường bằng vệ tinh hiện có trên thế giới.
Thiết kế sơ bộ trạm định vị vệ tinh quốc gia
Căn cứ Điều 5 Thông tư này thiết kế sơ bộ trạm định vị vệ tinh quốc gia như sau:
1. Trạm định vị vệ tinh quốc gia gồm 2 loại được thiết kế theo mục đích sử dụng như sau:
a) Trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục: được phân bố đều trên phạm vi toàn quốc, có khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 150km-200km, được sử dụng để làm khung tham chiếu tọa độ quốc gia, nghiên cứu khoa học và phục vụ cho các hoạt động đo đạc và bản đồ. Vị trí của 24 trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục đã xây dựng được thể hiện tại Phụ lục 01 của Thông tư này, trong đó có từ 1 đến 3 trạm tham gia vào mạng lưới của IGS;
b) Trạm tham chiếu hoạt động liên tục: được tăng dày giữa các trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục có khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 50km- 70km, trường hợp đặc biệt có thể lên đến 100km. Các trạm tham chiếu hoạt động liên tục kết hợp với các trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục tạo thành mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia có khả năng cung cấp dịch vụ định vị, dẫn đường trong thời gian thực với độ chính xác cỡ cm đáp ứng hầu hết các yêu cầu về độ chính xác trong công tác đo đạc và bản đồ hiện nay.
2. Trong quá trình thiết kế phải ưu tiên lựa chọn vị trí tại các nơi đã có sẵn các cơ sở hạ tầng như các cơ sở quan trắc tài nguyên môi trường, các cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường ở địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp để giảm thiểu chi phí đầu tư, vận hành, đồng thời đảm bảo tính ổn định lâu dài, bảo mật dữ liệu.
3. Kết thúc quá trình thiết kế sơ bộ phải thể hiện tổng thể vị trí của tất cả các trạm định vị vệ tinh quốc gia trên nền bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:1.000.000. Vị trí cụ thể của từng trạm được thể hiện trên nền bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000 hoặc lớn hơn làm cơ sở cho việc khảo sát, lựa chọn chi tiết vị trí xây dựng trạm.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn