Phạm nhân được thực hiện quyền hiến tinh trùng hay không?

Phạm nhân được thực hiện quyền hiến tinh trùng không? Quy định về việc cho tinh trùng, cho noãn được quy định như thế nào? Anh tôi năm nay 30 tuổi trước đây là một con người hòa nhã với mọi người nhưng vì bị bạn bè dụ dỗ, đánh bài bạc, ma túy phải đi tù. Nhưng trước khi anh tôi vào con đường phạm tội anh tôi có đăng ký hiến tinh trùng và thời gian thực hiện là lúc anh tôi chấp hành hình phạt tù. Cho tôi hỏi là anh tôi có thực hiện quyền hiến tinh trùng này không? Xin cảm ơn!

Phạm nhân được thực hiện quyền hiến tinh trùng không?

Căn cứ Điều 6 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định về quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo như sau:

1. Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật.

2. Việc hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Căn cứ Điều 11 Luật trên quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

1. Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.

2. Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.

3. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.

4. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

5. Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi.

6. Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

7. Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời.

8. Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

9. Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.

10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 27 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về quyền của phạm nhân như sau:

e) Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật;

Theo đó, luật không cấm phạm nhân không được hiến tinh trùng và phạm nhân được quyền thực hiện các giao dịch dân sự. Như vậy, anh bạn đủ điều kiện được quyền thực hiện quyền hiến tinh trùng khi đã đăng ký.

Quy định về việc cho tinh trùng, cho noãn

Căn cứ Điều 4 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về việc cho tinh trùng, cho noãn như sau:

1. Người cho tinh trùng, cho noãn được khám và làm các xét nghiệm để xác định: Không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV.

2. Tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng.

4. Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.

Trân trọng!

Tạ Thị Thanh Thảo

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào