Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như nào?
Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định về điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như sau:
Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;
2. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;
3. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Theo Điều 5 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định về trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như sau:
1. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện hàng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của cấp huyện trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá.
4. Hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm:
a) Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
b) Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu;
c) Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có);
d) Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
5. Bộ Tư pháp hướng dẫn quy trình, biểu mẫu, tài liệu phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh