Công tác tăng cường thực thi các văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ cho hoạt động dinh dưỡng được quy định ra sao?
- Công tác tăng cường thực thi các văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ cho hoạt động dinh dưỡng được quy định như thế nào?
- Công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dinh dưỡng nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan được quy định ra sao?
Công tác tăng cường thực thi các văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ cho hoạt động dinh dưỡng được quy định như thế nào?
Tại Tiết 1.1 Tiểu mục 1 Mục III Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định 1294/QĐ-BYT năm 2022 có quy định về công tác tăng cường thực thi các văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ cho hoạt động dinh dưỡng như sau:
1.1. Tăng cường công tác thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định có liên quan; các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ cho hoạt động dinh dưỡng.
- Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến dinh dưỡng và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ; Các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện có liên quan đến dinh dưỡng; Đề án chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời; Chương trình sức khỏe học đường; Đề án nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
- Kiểm tra, đánh giá tình hình tuân thủ các quy định của Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2021 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất vào thực phẩm; Thông tư số 18/2020/TT-BYT ngày 12/11/2020 của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác dinh dưỡng nhằm bảo vệ các thực hành dinh dưỡng tối ưu (Nuôi con bằng sữa mẹ…). Hướng dẫn, hỗ trợ triển khai thực hiện các gói dịch vụ dinh dưỡng cơ bản tại tuyến xã, đặc biệt là tại hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo ở tất cả các tỉnh ưu tiên có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để tăng cường vận động chính sách đầu tư cho hoạt động dinh dưỡng.
- Tổ chức giám sát hỗ trợ kỹ thuật nhóm vận động chính sách liên quan dinh dưỡng của các Bộ, ngành và các địa phương.
- Đánh giá kết quả việc thực hiện Kế hoạch hành động về dinh dưỡng giai đoạn 2022-2025 làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hành động trong những năm tiếp theo.
Công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dinh dưỡng nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan được quy định ra sao?
Tại Tiết 1.2 Tiểu mục 1 Mục III Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định 1294/QĐ-BYT năm 2022 có quy định về công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dinh dưỡng nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan như sau:
1.2. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dinh dưỡng nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan
- Xây dựng thông tư ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn (đặc biệt là các sản phẩm thay thế sữa mẹ và thức ăn bổ sung), bảo đảm công bố các chỉ tiêu kỹ thuật gồm nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, ngưỡng dung nạp tối đa, giá trị dinh dưỡng tham chiếu.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ cho bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người lao động trực tiếp ở các ngành nghề đặc thù bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm thuộc các đối tượng chính sách xã hội.
- Bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định để kiểm soát việc quảng cáo các thực phẩm, sản phẩm không có lợi cho sức khỏe đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em và phụ nữ có thai; chính sách để giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần, hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường và thực phẩm siêu chế biến; thực phẩm tại căng tin trường học.
- Rà soát, bổ sung bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam.
- Rà soát, bổ sung hướng dẫn quốc gia về khẩu phần, thực đơn cho đối tượng khác nhau, hoạt động thể lực cho người Việt Nam (theo nhóm tuổi, loại hình lao động, tình trạng sinh lý và sức khỏe), hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối, hướng dẫn phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ em.
- Rà soát, bổ sung hướng dẫn quốc gia về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
- Rà soát, bổ sung các hướng dẫn về tổ chức bữa ăn học đường, hoạt động thể chất và giáo dục dinh dưỡng học đường.
- Rà soát, bổ sung các hướng dẫn về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện, hướng dẫn cho các cơ sở cung cấp suất ăn cho bệnh viện.
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho vùng nghèo, vùng thường xuyên bị thiên tai; xóa đói giảm nghèo và cải thiện tình trạng dinh dưỡng
- Rà soát, sửa đổi hoặc xây dựng mới các văn bản nhằm tăng cường sự phối hợp liên ngành.
- Rà soát, sửa đổi chính sách về phát triển nguồn nhân lực (chính sách về đào tạo, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, nâng ngạch bác sỹ cho bác sỹ làm công tác dinh dưỡng, chế độ đãi ngộ,…).
- Rà soát, đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động dinh dưỡng, trong đó tập trung xây dựng cơ chế xã hội hóa một số hoạt động dinh dưỡng mà người dân có khả năng đóng góp.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân