Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần là gì? Có thể yêu cầu bồi thường khi hợp đồng vô hiệu không?

Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần? Có thể yêu cầu bồi thường khi hợp đồng vô hiệu không? Ký kết hợp đồng khi bị ép buộc có dẫn tới vô hiệu?

Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần

Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần. Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, em có một vấn đề muốn hỏi như sau. Em có thực hiện một hợp đồng xây dựng với 2 phần là Hợp đồng chính và phụ lục. Gần đây có thông báo phần phụ lục do vi phạm một số nguyên tắc về xây dựng nên có thể bị vô hiệu từng phần. Em thắc mắc không hiểu vô hiệu từng phần là sao ạ? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp em. Xin cám ơn!

Trả lời:

Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/1/2017).

Theo đó, giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch. 

(Điều 130 Bộ luật Dân sự 2015)

Do đó, nếu Phụ lục hợp đồng của bạn có bị vô hiệu từng phần thì những quy định tại các phần khác  vẫn có hiệu lực thi hành.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.

Có thể yêu cầu bồi thường khi hợp đồng vô hiệu không?

Tôi có mua nhà anh Thọ nhưng không có giấy tờ gì vì tin tưởng là đồng nghiệp của nhau lên tôi đã mua hai bên chỉ xác lập hợp đồng bằng tay. Dọn đến ở 01 năm thì chị Huế đến và yêu cầu gia đình tôi don ra ngoài vì chị ấy là chủ nhà thực sự của căn nhà tôi đang ở và không có ủy quyền cho ai bán nhà cả. Tôi biết nếu hợp dồng vô hiệu cả 02 bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, do giá nhà bây giờ tăng cao. Nên tôi muốn hỏi, tôi có yêu cầu anh Thọ trả khoản tiền bồi thường được không?

Trả lời:

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 119 Luật nhà ở 2014 thì điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở, bên bán là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở.

Như vậy, hợp đồng mua bán nhà ở giữa bạn và anh Thọ bị vô hiệu do lừa dối.

Theo Khoản 1, 2 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 hậu quả của hợp dồng vô hiệu đó là:

- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Và bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì anh Thọ đã lừa gia đình bạn mua nhà không thuộc sở hữu của anh Thọ nên anh Thọ có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu. Bên cạnh đó, bạn cũng có lỗi trong việc làm hợp đồng vô hiệu, bởi vì pháp luật yêu cầu giao dịch về nhà ở phải tuân thủ quy định tại Điều 118 Luật nhà ở 2014 như bạn đã tham gia hợp đồng khi biết anh Thọ không có những giấy tờ theo quy định pháp luật yêu cầu. Nên bạn cũng có lỗi trong việc làm hợp đồng vô hiệu.

 

Trong tình huống này bạn có thể khởi kiện anh Thọ với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015).

Ký kết hợp đồng khi bị ép buộc có dẫn tới vô hiệu?

Ông Ánh vay tiền ông Xuân 200 triệu đồng với lãi suất 120% /năm. Do không trả đươc nợ, sau một thời gian cả gốc lẫn lãi là 400tr đồng. Ông Xuân tìm Ánh để đòi nợ và dùng vũ lực bắt ông Ánh ký vào hợp đồng nhận nợ với nội dung ông Ánh nợ ông Xuân 400 triệu đồng. Xin hỏi, giấy nhận nợ của ông Ánh có được công nhận? Nếu không được công nhận thì hướng giải quyết của tòa án sẽ như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu khi bị lừa dối và cưỡng ép như sau:

- Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

- Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

- Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Như vậy giấy nhận nợ của ông Ánh nếu chứng minh được là do cưỡng ép thì sẽ được tuyên vô hiệu, yêu cầu ông Ánh trả lại 200 triệu đồng cho ông Xuân.

Đồng thời theo quy định Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 có quy định như sau:

- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khoản 1 Điều 486 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất vay như sau:

Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trân trọng!

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào