Cải tạo lại công trình xây dựng có phải xin giấy phép xây dựng không? Thời hạn cấp giấy phép xây dựng là bao nhiêu ngày?

Cải tạo lại công trình xây dựng có phải xin giấy phép xây dựng không? Thời hạn cấp giấy phép xây dựng là bao nhiêu ngày? Xây nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị có phải xin giấy phép xây dựng?

Cải tạo lại công trình xây dựng có phải xin giấy phép xây dựng không?

Bên mình có một tòa nhà đã có giấy phép xây dựng từ năm 2000. Giờ nó đã quá xuống cấp nên bên mình muốn cải tạo. Như vậy thì mình có phải xin giấy phép xây dựng cải tạo không?

Trả lời:

Theo Khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì giấy phép xây dựng gồm: Giấy phép xây dựng mới; Giấy phép sửa chữa, cải tạo; Giấy phép di dời công trình; Giấy phép xây dựng có thời hạn.

Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về các trường hợp không phải xin giấy phép xây dựng. Trong đó có:

- Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

- Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.

Do thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể nên có 2 trường hợp như sau:

- Nếu bạn sửa chữa, cải tạo lại tòa nhà mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình; hoặc làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc thì không cần phải xin giấy phép xây dựng sửa chữa, cải tạo.

- Nếu bạn sửa chữa, cải tạo lại tòa nhà không thuộc 2 trường hợp nêu trên thì phải xin giấy phép xây dựng sửa chữa, cải tạo.

Thời hạn cấp giấy phép xây dựng là bao nhiêu ngày?

Tôi tên Thành Trung là kĩ sư mới ra trường. Sau thời gian chịu khó đi xin việc thì tôi có xin được vào làm tại một công ty xây dựng. Do kinh nghiệm còn khá non yếu nên tôi không ngừng cố gắn, tôi hiện có vấn đề chưa rõ lắm nhưng ngại hỏi các đồng nghiệp, do đó nhờ ban biên tập hỗ trợ giúp: Thời hạn cấp giấy phép xây dựng là bao nhiêu ngày? Còn đối với nhà ở riêng lẻ thì bao nhiêu ngày? Mong Ban biên tập hỗ trợ.

(Trung***@gmail.com)

Trả lời:

Tại Điểm e Khoản 1 Điều 102 Luật xây dựng 2014 có quy định:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 30 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.

Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại khoản này.

Như vậy, trong thời gian 30 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ) cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng. Đối với nhà ở riêng lẻ thì là 15 ngày.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Xây nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị có phải xin giấy phép xây dựng?

Tôi là chủ đầu tư dự án của dự án phát triển đô thị. Trong dự án này có hạng mục xây dựng nhà ở có quy mô 15 tầng. Vậy tôi có phải xin giấy phép xây dựng cho nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị không?

Trả lời:

Theo Điểm h Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm có:

h) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Như vậy trường hợp của bạn xây dựng nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị có quy mô 15 tầng thì phải xin giấy phép xây dựng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giấy phép xây dựng

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào