Bên nhận cầm cố có được tự mình quyết định phương thức xử lý tài sản cầm cố không?
Bên nhận cầm cố có được tự mình quyết định phương thức xử lý tài sản cầm cố hay không?
Tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Căn cứ theo quy định hiện hành thì bên nhận cầm cố không được tự mình quyết định phương thức xử lý tài sản cầm cố. Trường hợp cần phải xử lý tài sản cầm cố thì cần có sự thỏa thuận của hai bên hoặc nếu không thỏa thuận thì phải tiến hành bán đấu giá.
Trước khi xử lý tài sản cầm cố, bên cầm cố thực hiện nghĩa vụ thì có được nhận lại tài sản?
Tại Điều 302 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền nhận lại tài sản bảo đảm như sau:
Trước thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo đảm và thanh toán chi phí phát sinh do việc chậm thực hiện nghĩa vụ thì có quyền nhận lại tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo đó, nếu trước khi xử lý tài sản cầm cố, bên cầm cố thực hiện nghĩa vụ và thanh toán chi phí phát sinh thì có thể sẽ được nhận lại tài sản, trừ trường hợp có quy định khác.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân