Cơ quan nào giải quyết tài sản trúng thầu không được giao sau 05 năm?
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tài sản trúng thầu không được giao sau 05 năm?
Căn cứ Khoản 1 Điều 48 Luật đấu giá tài sản 2016 thì người trúng đấu giá có các quyền sau đây:
1. Người trúng đấu giá có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người có tài sản đấu giá ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật;
b) Được nhận tài sản đấu giá, có quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật;
c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đấu giá đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật;
d) Các quyền khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được quy định như sau::
5. Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được quy định như sau:
a) Căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ đạo lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt;
b) Tổ chức được lựa chọn thực hiện đấu giá theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất;
c) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá;
d) Sau khi người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; tổ chức bàn giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp của bạn, cơ quan tài nguyên và môi trường đã không giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận cho bạn. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể khiếu nại việc cơ quan Tài nguyên và Môi trường của UBND huyện nơi bạn mua đất không thực hiện giao đất theo đúng quyết định trúng đấu giá hoặc bạn có thể khởi kiện để yêu cầu UBND thực hiện giao đất cho bạn. Bạn cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được việc chậm giao đất này gây thiệt hại cho bạn theo quy định về Bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá như thế nào?
Căn cứ Khoản 2 Điều 47 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định về nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá như sau:
a) Chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá;
b) Ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản;
c) Giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật;
d) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, diễn biến cuộc đấu giá và kết quả đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước;
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo