Người tâm thần có thể đơn phương ly hôn? Ly hôn rồi làm khai sinh cho con theo họ cha được không?
Người tâm thần có thể đơn phương ly hôn không?
Chị An được xác định là bị bênh tâm thần sau một thời gian chung sống với anh Bình. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn công thêm bệnh tâm thần cùa chị khiến cho anh Bình sa vào rượu chè, từ đó đánh đập chị An. Xin hỏi, trong trường hợp này, chị An có thể đơn phương ly hôn được không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Đồng thời căn cứ Khoản 3 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định cụ thể về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn trong trường hợp bị bạo hành như sau:
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Như vậy, cha mẹ hoặc người thân thích của chị An có thể yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn cho An và Bình, đồng thời phải đưa ra căn cứ cho thấy việc Bình bạo hành An ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe và tinh thần của An.
Ly hôn rồi làm khai sinh cho con theo họ cha được không?
Em đang mang thai, do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên em đã quyết định ly hôn. Tuy nhiên em vẫn muốn con em mang họ cha. Vậy Ban tư vấn cho em hỏi ly hôn rồi làm khai sinh cho con theo họ cha được không? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Như vậy theo quy định trên đây thì có thể chia ra 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân thì đây vẫn xác định là con chung của vợ chồng bạn. Khi bạn đi đăng ký khai sinh cho con có thể ghi tên cha mà không cần sự đồng ý của người bố. Như vậy con bạn vẫn có thể mang họ cha.
Trường hợp 2: Con sinh ra sau 300 ngày kể từ ngày chấm dứt quan hệ hôn nhân. Đối với trường hợp khi đi đăng ký kết khai sinh cho con thì không thể ghi thông tin người cha lên giấy khai sinh nên con không thể theo họ cha. Nếu như bạn vẫn muốn con theo họ trong trường hợp này thì phải làm thủ tục xác nhận cha con.
Trách nhiệm chứng minh tài sản riêng khi ly hôn
Gần đây tôi có theo dõi về một vụ án ly hôn của một doanh nhân có tiếng. Tôi có một số thắc mắc Ban biên tập cho tôi hỏi, trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn cho rằng tài sản A, B gì đó là tài sản riêng của họ thì phải chứng minh như thế nào? Trong trường hợp không chứng minh được thì ra làm sao?
Trả lời:
Tại Luật hôn nhân gia đình 2014 và Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định về tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau:
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này;
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Ngoài ra những tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Đồng thời theo qui định tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP về tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo qui định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ chồng nhận được theo qui định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng
Và theo nguyên tắc giải quyết chia tài sản của vợ, chồng khi ly hôn, được quy định tại điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản được chia theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì chia đôi nhưng dựa vào hoàn cảnh của gia đình vợ, chồng, công sức đóng góp, bảo vệ lợi ích của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập,....
Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn cho rằng tài sản hai bên vợ chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của mình thì người chồng hoặc người vợ đó có trách nhiệm đưa ra các chứng cứ, tài liệu để chứng minh tài sản đó là tài sản riêng của mình (Theo quy định tại Khoản 5 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong đó có: Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.)
Vậy nên, trường hợp một bên vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn khẳng định tài sản mà vợ chồng đang tranh chấp nhưng không chứng minh được đó là tài sản riêng thì tài sản đó được xác định là tài sản chung.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn