Phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như thế nào?
Căn cứ Tiểu mục 4 Mục II Điều 1 Quyết định 149/QĐ-TTg năm 2022 quy định về đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu như sau:
a) Điều tra, kiểm kê, thống kê, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học
- Điều tra, thống kê diện tích, đánh giá tình trạng, lập bản đồ phân bố các vùng đất ngập nước quan trọng, thảm cỏ biển, rạn san hô và các hệ sinh thái biển tự nhiên đặc thù khác nhằm triển khai các giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước và biển; thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên toàn quốc.
- Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên thực hiện kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
- Tạo lập môi trường, điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học.
b) Sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái
- Xây dựng hướng dẫn lượng giá giá trị dịch vụ hệ sinh thái, thí điểm áp dụng tại các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên; tiếp tục hoàn thiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức thí điểm và triển khai chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và biển nhằm bảo vệ, phục hồi, phát triển đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên.
- Xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn phát triển du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên bền vững bảo đảm giảm thiểu tác động tới đa dạng sinh học; thực hiện các mô hình du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan sinh thái quan trọng, khu di sản thiên nhiên với các kết cấu hạ tầng dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù gắn kết và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường năng lực các cấp, sự phối hợp, liên kết giữa các bên tham gia trong hoạt động du lịch sinh thái, đặc biệt giữa Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng và thúc đẩy vai trò của tư nhân trong các mô hình hợp tác công - tư.
- Bảo tồn, phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu đặc thù của các vùng miền theo hướng thâm canh, bền vững, giá trị gia tăng cao (nhất là các sản phẩm truyền thống như quế, hồi, sở, nhựa thông, song, mây, tre, trúc,...), góp phần cải thiện sinh kế, tạo nguồn thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các biện pháp bảo vệ, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị, đặc biệt là các loài cây thuốc, cây cảnh.
- Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hướng dẫn việc nhân, nuôi các loài hoang dã thông thường và kiểm soát chặt chẽ việc nuôi thương mại các loài hoang dã để bảo đảm không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học; thực hiện gắn chip và lập sổ theo dõi các đối tượng nuôi là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
- Nghiên cứu, phát triển thị trường và thương mại sinh học cho các sản phẩm thân thiện với đa dạng sinh học thông qua thực hành mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng bền vững.
- Tăng cường bảo vệ, cải thiện và quản lý hiệu quả các hệ sinh thái nông nghiệp tại các vùng kinh tế; phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, nâng tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt 2,5% - 3%.
- Tăng cường nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các mô hình quản lý và sản xuất nông - lâm - thủy sản theo hướng ứng dụng các công nghệ sinh học hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo các sản phẩm an toàn, chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu sử dụng ở trong nước và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Bảo đảm việc khai thác, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái và các hoạt động phát thải vào môi trường tự nhiên trong giới hạn chịu tải của hệ sinh thái.
c) Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đô thị và nông thôn
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển các không gian xanh, các hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên trong đô thị; bảo đảm diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị theo quy định.
- Thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” ở các khu đô thị và vùng nông thôn nhằm tăng cường lợi ích của không gian xanh đối với sức khỏe và hạnh phúc của người dân; ưu tiên trồng cây bản địa có giá trị bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phát triển các công trình xanh, đô thị xanh, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các vườn thực vật tại các trường học; nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học trong phát triển đô thị.
d) Bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu
- Nghiên cứu, đánh giá và dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học tại Việt Nam, thực hiện các phương án bảo tồn đa dạng sinh học tại những khu vực bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu; xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro do biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái tự nhiên.
- Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái dựa vào cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên bảo tồn các nguồn gen quý, loài có nguy cơ bị tuyệt chủng và các hệ sinh thái quan trọng; đánh giá nguy cơ và kiểm soát sự xâm hại của các loài ngoại lai dưới tác động của biến đổi khí hậu.
- Áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở các khu vực dễ bị tổn thương như: lưu vực sông, khu vực ven biển (đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long), thực hiện các giải pháp nâng cao tính chống chịu của đa dạng sinh học đối với biến đổi khí hậu tại các khu vực này; tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học.
- Xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực đa dạng sinh học cao, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái, các giải pháp thích ứng dựa vào thiên nhiên và tri thức cộng đồng, đồng thời tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính; ứng dụng kiến thức của người dân địa phương trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bảo đảm sinh kế bền vững.
- Tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các - bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (Chương trình REDD+).
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh