Đương sự trong vụ án dân sự có phải tự ghi lời khai của mình? Trường hợp đương sự được cấp tống đạt vắng mặt giải quyết thế nào?

Đương sự trong vụ án dân sự phải tự ghi lời khai của mình? Trường hợp đương sự được cấp tống đạt vắng mặt giải quyết thế nào? Đương sự đang sống tại nước ngoài thì vụ án dân sự không thể giải quyết theo thủ tục rút gọn?

Đương sự trong vụ án dân sự phải tự ghi lời khai của mình?

Xin được hỏi, có phải: Đương sự trong vụ án dân sự bắt buộc phải tự ghi lời khai của mình thì bản khai mới có giá trị không?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 98 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định lấy lời khai của đương sự như sau:

Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.

Theo quy định trên thì không phải trong mọi trường hợp đương sự trong vụ án dân sự phải tự ghi lời khai của mình mà nếu vì lý do nào đó khách quan đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự.

Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản.

Trường hợp đương sự được cấp tống đạt vắng mặt giải quyết thế nào?

Trường hợp đương sự được cấp tống đạt vắng mặt giải quyết thế nào? Trong vụ án dân sự?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 5 Điều 177 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cá nhân như sau:

Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc để thực hiện việc ký nhận hoặc điểm chỉ và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt, thông báo. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật này. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, trường hợp đương sự được cấp tống đạt vắng mặt thì căn cứ tình hình cụ thể nêu trên để tiếp tục thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đương sự đang sống tại nước ngoài thì vụ án dân sự không thể giải quyết theo thủ tục rút gọn?

Cho hỏi nếu có đương sự đang sống tại nước ngoài thì vụ án dân sự không thể giải quyết theo thủ tục rút gọn đúng vậy không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn:

Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;

c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

...

Không có đương sự cư trú ở nước ngoài là một trong những điều kiện để Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, tuy nhiên khi đáp ứng những điều kiện còn lại nêu trên mà có đương sự cư trú ở nước ngoài, đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thể thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án sẽ giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

Trân trọng!

 

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào