Xu thế triển khai chuyển đổi số của Hải quan các nước?
Xu thế triển khai chuyển đổi số của Hải quan các nước
Căn cứ Tiểu Mục 1 Mục II Kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Ban hành kèm theo Quyết định 707/QĐ-TCHQ năm 2022 quy định:
1. Xu thế triển khai chuyển đổi số của Hải quan các nước
Năm 2018, Tổ chức Hải quan Thế giới đưa ra mô hình phát triển Hải quan số gồm 6 giai đoạn (Giai đoạn 1: Khởi động Hải quan điện tử; Giai đoạn 2: Hải quan điện tử sơ khai; Giai đoạn 3: Hải quan điện tử chuyên sâu đối với từng lĩnh vực; Giai đoạn 4: Hải quan điện tử tích hợp; Giai đoạn 5: Hải quan điện tử tiên tiến; Giai đoạn 6: Hải quan số).
Hiện nay, Hải quan các nước đều tập trung xây dựng cơ quan Hải quan số với trọng tâm là tiếp tục số hoá và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Trong kế hoạch phát triển của Hải quan Mỹ giai đoạn 2021 - 2025 cũng nêu trọng tâm mục tiêu cụ thể mà Hải quan Mỹ đưa ra là chuyển đổi số. Theo đó, các quyết định quản lý dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu có chất lượng và kịp thời. Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Hải quan Hoa Kỳ đưa ra 03 hoạt động cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2020 - 2025 là: Sử dụng các kỹ thuật phân tích hiện đại; hoàn thiện hệ thống CNTT để thu thập và kết nối dữ liệu có chất lượng cao; chia sẻ dữ liệu và chia sẻ kỹ thuật phân tích dữ liệu. Bên cạnh đó, Hải quan Mỹ đã thành lập Nhóm đổi mới sáng tạo trực thuộc Văn phòng Cao ủy Hải quan với nhiệm vụ là nghiên cứu, đề xuất và ứng dụng các công nghệ mới nhất nhằm giúp cho hoạt động biên giới hiệu quả, an toàn và liên tục phát triển, trong đó tập trung 04 lĩnh vực: Nâng cao mức độ tự động hóa; AI/Phân tích hiện đại; Cảm biến và dữ liệu Chia sẻ dữ liệu và thông tin.
Giai đoạn 2021 - 2025, Hải quan Canada đã xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số với trọng tâm và hoàn thiện hệ thống CNTT và phân tích dữ liệu, bao gồm xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý ở cấp trung ương, đầu tư vào 03 lĩnh vực chính là: Quản lý dữ liệu; Phân tích nghiệp vụ thông minh (BI) và phân tích nâng cao. Hiện nay, Hải quan Trung Quốc cũng đang phát triển Hệ thống CNTT phục vụ quản lý nhà nước về hải quan với trọng tâm là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan thông minh. Bên cạnh đó, Hải quan Nhật Bản, Hải quan Hàn Quốc, Hải quan EU cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data); Chuỗi khối (Blockchain); Kết nối Internet vạn vật (IoT). Theo đó, trình độ ứng dụng CNTT của Hải quan các nước phát triển hiện nay đã đạt trình độ cao của mô hình phát triển Hải quan số (mức 5, 6).
Năm 2022, với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi hải quan số bằng việc áp dụng văn hóa khai thác dữ liệu và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu”, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) nhấn mạnh vào một khía cạnh khác của hải quan số đó là tầm quan trọng của các dữ liệu sẵn có, của việc hợp tác với các bên liên quan để thu thập dữ liệu có chất lượng và việc tận dụng nguồn dữ liệu này phục vụ nghiệp vụ hải quan.
Như vậy, hải quan thông minh, hải quan số, hay biên giới thông minh là một quá trình tất yếu của việc vận dụng, tận dụng và ứng dụng công nghệ hiện đại, dữ liệu vào các hoạt động nghiệp vụ, qui trình thủ tục hải quan nhằm thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của cơ quan hải quan là tạo thuận lợi thương mại, thu thuế và đảm bảo an ninh, an toàn xã hội. Quá trình này, tuy có thể đều được dùng dưới những tên gọi khác nhau như hải quan tự động, hải quan thông minh, hải quan số... hoặc dưới các chương trình đổi mới, cải cách, hiện đại hóa.. nhưng diễn ra ở các mức độ khác nhau tại mỗi nước, phù hợp với trình độ phát triển. Các mức độ ứng dụng công nghệ và gần đây một yếu tố được nhấn mạnh là “dữ liệu”, có thể hiểu chính là các giai đoạn mà WCO đưa ra trong mô hình phát triển hải quan số.
Yêu cầu đối với chuyển đổi số của ngành Hải quan
Căn cứ Tiểu Mục 2 Mục II Kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Ban hành kèm theo Quyết định 707/QĐ-TCHQ năm 2022 quy định:
2. Yêu cầu đối với chuyển đổi số của ngành Hải quan
Hiện nay, Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4,0; coi đây là động lực rất quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước:
- Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước; Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch hành động, Chỉ thị về vấn đề này như: Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030;....
- Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động về vấn đề này như: Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng lần thứ 4 trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách; Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020 thực hiện thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030. Ngày 25/10/2021, Bộ Tài chính mới ban hành Quyết định số 2042/QĐ-BTC về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ Tài chính, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025 cũng nhấn mạnh việc thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước ngành Tài chính, trong đó có lĩnh vực Hải quan.
Trong khi đó, hệ thống CNTT hiện nay của Tổng cục Hải quan đã được phát triển từ nhiều năm trước, mới chỉ đáp ứng một phần số hóa và hầu như chưa ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, không đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 (như: AI, Big Data, Blockchain, IoT,...).
Đối chiếu với tiêu chí phân loại trình độ phát triển Hải quan số mà Tổ chức Hải quan Thế giới đưa ra thì hiện nay, một số nội dung ứng dụng CNTT của Tổng cục Hải quan đã đạt ở mức 5/6, một số nội dung đạt mức 4/6 và có một số ít nội dung đang đạt ở mức 3/6. Vì vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng là động lực quan trọng để đưa Hải quan Việt Nam lên giai đoạn phát triển cao (mức 5, 6) theo mô hình phát triển Hải quan số mà Tổ chức Hải quan Thế giới đưa ra; đồng thời tránh được nguy cơ tụt hậu so với Hải quan các nước trên thế giới.
Đồng thời, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan là yêu cầu khách quan, không thể đảo ngược, là chìa khoá và là cơ sở vô cùng quan trọng để xây dựng Hải quan số và Hải quan thông minh theo chủ trương chung của của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi