Thành viên hợp danh có được đăng ký kinh doanh hộ gia đình?
Thành viên hợp danh có được đăng ký kinh doanh hộ gia đình hay không?
Cho hỏi: Tôi hiện đang là thành viên hợp danh của một công ty hợp danh hoạt động về lĩnh vực kiểm toán. Bây giờ gia đình tôi muốn thành lập hộ gia đình để làm đại lý bán hàng hóa thì tôi có được tham gia vào không, tôi cần phải đáp ứng những điều kiện nào? Cảm ơn.
Trả lời:
Theo Điều 180 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về hạn chế đối với thành viên hợp danh như sau:
- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại;
- Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về hộ kinh doanh như sau:
Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Như vậy, vì ngành nghề hộ kinh doanh bạn sắp đăng ký khác với ngành nghề của công ty hợp danh nên hộ kinh doanh của bạn có thể được đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, để được làm thành viên của hộ gia đình đăng ký kinh doanh, bạn phải được sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại trong công ty hợp danh.
Công ty hợp danh không có thành viên góp vốn được không?
Cho hỏi: Công ty hợp danh có cần phải có thành viên góp vốn không ạ? Nhờ tư vấn ạ.
Trả lời:
Khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Như vậy, công ty hợp danh bắt buộc phải có ít nhất 02 thành viên hợp danh, nhưng thành viên góp vốn thì không bắt buộc phải có. Cho nên, công ty hợp danh không có thành viên góp vốn vẫn được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Một người có thể trở thành thành viên hợp danh của mấy công ty hợp danh?
Cho hỏi: Một người có thể đồng thời là thành viên hợp danh của mấy công ty hợp danh?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định:
Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Theo như quy định này thì về nguyên tắc thì thành viên hợp danh không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác nếu như không được sự nhất của các thành viên hợp danh còn lại. Như vậy, nếu được nhất trí thì thành viên này có thể là thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác và cũng không giới hạn số lượng công ty hợp danh mà một thành viên hợp danh có thể là thành viên.
Cho nên một người có thể đồng thời là thành viên hợp danh của nhiều công ty hợp danh (không bị giới hạn số lượng).
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân