Áp dụng biện pháp nghiệp vụ trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế như thế nào?
Áp dụng biện pháp nghiệp vụ trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế
Căn cứ Điều 35 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về áp dụng biện pháp nghiệp vụ trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế như sau:
1. Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm về thông tin hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trên Tờ khai hải quan theo quy định về pháp luật hải quan và pháp luật về quản lý thuế.
Trường hợp tờ khai hải quan không có trên cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan cung cấp, cơ quan thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế có văn bản đề nghị cơ quan hải quan có liên quan cung cấp để có căn cứ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế.
2. Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá rủi ro, yêu cầu về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc qua kiểm tra, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hải quan, cơ quan thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin vi phạm của người nộp thuế cho cơ quan hải quan để thực hiện việc kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định.
Tổng cục Thuế định kỳ hàng quý vào ngày 20 tháng sau liền kề hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết gửi văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan áp dụng tiêu chí phân luồng để thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện rủi ro cao về hoàn thuế. Văn bản đề nghị phải nêu rõ tiêu chí xác định và phương thức kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp; mặt hàng; địa bàn, lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy định của Luật hải quan.
Trong thời hạn chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phải áp dụng tiêu chí phân luồng, biện pháp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu. Trường hợp không áp dụng hoặc có vướng mắc, Tổng cục Hải quan có văn bản trao đổi với Tổng cục Thuế trong thời hạn nêu trên và nêu rõ lý do của việc không hoặc chưa áp dụng.
3. Trường hợp qua kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế mua hàng hóa, dịch vụ của người nộp thuế khác (bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ) có hành vi trốn thuế, cơ quan thuế phải bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ; hoặc đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ bổ sung kế hoạch và thực hiện kiểm tra, thanh tra hoặc cung cấp thông tin về việc chấp hành pháp luật thuế của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ để có căn cứ giải quyết hoàn thuế.
4. Trường hợp người nộp thuế có giao dịch thanh toán liên quan đến tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ theo danh sách cảnh báo của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; hoặc qua kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế có chứng từ thanh toán qua ngân hàng có nội dung chưa đầy đủ, chưa đúng quy định:
a) Cơ quan thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên quan cung cấp thông tin (bao gồm cả sổ phụ tài khoản) của người trả (hoặc chuyển) tiền, người thụ hưởng số tiền trên chứng từ (hoặc cá nhân liên quan đến người thụ hưởng) để có căn cứ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng;
b) Cơ quan thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế có văn bản đề nghị cơ quan hải quan cửa khẩu cung cấp thông tin về lượng tiền mặt (ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam) mang qua cửa khẩu vào Việt Nam trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thuế để có căn cứ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền theo quy định.
5. Trong quá trình giải quyết hoàn thuế mà cơ quan thuế qua công tác kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra hoặc người nộp thuế bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu giữ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ liên quan đến số thuế đề nghị hoàn thì cơ quan thuế phải gửi Thông báo về việc hồ sơ chưa đủ điều kiện hoàn thuế theo mẫu số 04/TB-HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này cho người nộp thuế. Cơ quan thuế thực hiện giải quyết hoàn thuế khi có kết quả hoặc ý kiến của cơ quan công an hoặc của cơ quan có thẩm quyền hoặc khi có đủ hồ sơ theo quy định.
Xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác còn nợ ngân sách nhà nước được bù trừ với số thuế được hoàn
Căn cứ Khoản 2 Điều 34 Thông tư trên quy định về xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác còn nợ ngân sách nhà nước được bù trừ với số thuế được hoàn như sau:
2. Xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác còn nợ ngân sách nhà nước được bù trừ với số thuế được hoàn.
Cơ quan thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế thực hiện hoàn kiêm bù trừ với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác còn nợ ngân sách nhà nước (sau đây gọi là tiền thuế nợ) để thực hiện bù trừ với số tiền thuế được hoàn của người nộp thuế theo quy định.
Tiền thuế nợ của người nộp thuế được bù trừ (không bao gồm tiền thuế nợ đang thực hiện thủ tục để xoá nợ, tiền thuế nợ được nộp dần theo quy định tại Điều 83, Điều 124 Luật Quản lý thuế), bao gồm:
a) Tiền thuế nợ do cơ quan thuế quản lý trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế;
b) Tiền thuế nợ (trừ tiền phí, tiền lệ phí hải quan) do cơ quan hải quan cung cấp theo Quy chế trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa cơ quan hải quan và cơ quan thuế;
c) Tiền thuế nợ theo văn bản đề nghị của các cơ quan, tổ chức được giao quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước không do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý thuế (cơ quan khác).
d) Trường hợp người nộp thuế có số thuế còn được hoàn tại trụ sở chính nhưng đơn vị phụ thuộc có số tiền thuế nợ trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế thì cơ quan thuế phải tiếp tục thực hiện bù trừ. Trường hợp nhiều đơn vị phụ thuộc có số tiền thuế nợ thì thứ tự bù trừ ưu tiên cho khoản nợ có hạn nộp xa nhất của đơn vị phụ thuộc.
Trường hợp đơn vị phụ thuộc có số thuế còn được hoàn thì phải thực hiện bù trừ với số tiền thuế nợ của người nộp thuế tại trụ sở chính.
đ) Trường hợp người nộp thuế có số thuế còn được hoàn đề nghị cơ quan thuế trích số tiền thuế được hoàn để nộp thay tiền thuế nợ cho người nộp thuế khác thì cơ quan thuế xác định số tiền thuế được hoàn và bù trừ với số tiền thuế nợ của người nộp thuế khác sau khi đã bù trừ số tiền thuế nợ của người nộp thuế theo trình tự quy định tại điểm a, b, c, d khoản này.
e) Cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về số tiền thuế nợ trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế; cơ quan hải quan chịu trách nhiệm về số tiền nợ trên hệ thống của cơ quan hải quan đã cung cấp cho cơ quan thuế và cơ quan khác (cơ quan, tổ chức được giao quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước không do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý thuế) chịu trách nhiệm về số tiền nợ ngân sách nhà nước đề nghị cơ quan thuế bù trừ. Sau khi nhận được Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 36 Thông tư này, người nộp thuế có vướng mắc về số tiền thuế nợ đã bù trừ với số tiền thuế được hoàn thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế, cơ quan hải quan, cơ quan khác đề nghị bù trừ nợ có trách nhiệm giải quyết vướng mắc cho người nộp thuế theo quy định tại điểm này.
Trường hợp số tiền thuế nợ đã bù trừ cao hơn số tiền thuế nợ thực tế thì được xác định là khoản nộp thừa. Cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan khác đề nghị số tiền thuế nợ bù trừ xử lý theo quy định tại Điều 25 Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo