Đèn tín hiệu xanh nhưng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng lại thì chấp hành hiệu lệnh nào?
Đèn tín hiệu xanh nhưng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng lại thì chấp hành theo hiệu lệnh nào?
Tại Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:
1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
4. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp đèn tín hiệu xanh nhưng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng lại thì bạn sẽ chấp hành theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.
Khi tham gia giao thông đường bộ, hiệu lệnh tay giơ thẳng đứng của Cảnh sát giao thông có ý nghĩa gì?
Tại Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ như sau:
1. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
2. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:
a) Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;
b) Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi;
c) Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điểu khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.
...
Theo đó, khi tham gia giao thông đường bộ, hiệu lệnh tay giơ thẳng đứng của Cảnh sát giao thông dùng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân