Giành lại quyền nuôi con sau khi vợ mất có được hay không? Tư vấn về ly hôn và giành quyền nuôi con 4 tháng
Có được giành lại quyền nuôi con sau khi vợ mất?
Tôi và cô ấy đã ly hôn được hai năm, con ở với mẹ tại nhà ngoại. Nay nghe tin vợ cũ qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo, tôi muốn đem con về ở cùng thì bên nhà ngoại không cho. Tôi phải làm gì để giành lại quyền nuôi con sau khi vợ mất? Cảm ơn!
Trả lời:
Điều 84 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định việc Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Khoản 2 Điều 69 Luật này quy định: cha mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Như vậy, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con là nghĩa vụ chung của cha mẹ. Trường hợp vợ bạn mất đi thì có thể rơi vào trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo Khoản 2b Điều 84. Do đó, bạn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người nuôi con sau ly hôn.
Tư vấn về ly hôn và giành quyền nuôi con 4 tháng
Chuyện là chị của em cưới chồng ngày 20/5/2018, từ khi cưới về thì anh chồng này thường xuyên nhậu nhẹt về đánh đập, hành hạ chị em. Nhưng vì thương con nên chị em nhịn hết và nghĩ rằng ảnh sẽ thay đổi nhưng ảnh vẫn như vậy không thay đổi. Về phía gia đình bên ấy thì không thích chị vì chị có bầu trước khi cưới, nhưng chị vẫn im lặng chịu đựng vì con và luôn hy vọng 1 ngày nào đó ảnh thay đổi. Nhưng càng ngày càng quá đáng, hiện bé con đang ở bên gia đình ấy và không cho chị em qua thăm cũng như bồng ẳm gì cả, người chồng ấy còn hăm dọa nếu chị hay gia đình chị qua bên gia đình đó thì ảnh sẽ giết hết. Trong khi đó bé con mới được 4 tháng rưỡi.
Mọi người cho em hỏi làm sao để li dị và dành quyền nuôi con ạ.
Trả lời:
Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thực hiện theo Điều 81 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Theo như bạn trình bày thì chồng chị bạn thường xuyên nhậu nhẹt về đánh đập, hành hạ bạn, trường hợp này người đã có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ vợ chồng nên chị bạn có căn cứ để ly hôn. Do đó, chị bạn cần thu thập các chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu mình là có căn cứ hợp pháp để Tòa án chấp nhận cho ly hôn.
Ở đây, bạn cần lưu ý thêm, việc nhà chồng không cho chị bạn thăm con là vi phạm pháp luật, việc thăm non, chăm sóc con cái là quyền, nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ. Khoản 3 Điều 83 Luật này có quy định: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Giành quyền nuôi con khi chồng có tiền án, tiền sự được không?
Bé nhà em sinh tháng 10/2015 nay bé được 4 tuổi rồi ạ. Em đang làm nhân viên văn phòng thu nhập bình quân 8 triệu/ tháng. Chồng em thì làm tự do, vợ chồng em thì đang ở chung với mẹ chồng. Quyền sở hữu đất cũng là của mẹ chồng.Mẫu thuẫn giữa hai vợ chồng có rất nhiều, nhưng chồng em rất hay chửi bới, nhục mạ em, và cứ có mẫu thuẫn là chồng em lại đuổi em ra khỏi nhà. Chồng em đã từng có tiền án tiền sự, từng vào trại. Cái này thì sau khi lấy chồng em mới biết, và cũng không dám hỏi lý do vì sao vào trại nữa. Tư vấn cho em giành quyền nuôi con?
Trả lời:
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Ở đây, việc nuôi con sẽ căn cứ trên nhiều yếu tố, điều kiện tốt nhất để xác định, em có lợi thế hơn vì thu nhập em ổn định, bên cạnh đó chồng em còn từng có tiền án, tiền sự; có hành vi bạo lực với em. Người không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, mức cấp dưỡng sẽ do thỏa thuận của hai bên, nếu không thì Tòa xác định mức cụ thể.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn