Tố cáo hành vi đánh bạc có được thưởng gì không? Khiếu nại và tố cáo khác nhau như thế nào?
Tố cáo hành vi đánh bạc có được thưởng gì không?
Tôi muốn báo có người ghi lô đề và người đánh bài trong khu gần nhà xưởng của tôi. Tôi muốn biết nếu mình báo có được thưởng gì không?
Trả lời:
Hành vi ghi lô, đề được xác định là hành vi đánh bạc trái phép theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, tùy tính chất, mức độ vi phạm của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc trái phép.
Đối với việc phát hiện, tố giác hành vi vi phạm, căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 14 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:
Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì: Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
Theo các quy định này, việc phát hiện, tố cáo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật hành chính và hình sự là trách nhiệm của mọi công dân, do vậy, khi phát hiện hành vi đánh bạc trái phép, anh có nghĩa vụ tố cáo, tố giác với cơ quan có thẩm quyền.
Về chế độ khen thưởng:
Điều 62 Luật Tố cáo 2018 quy định:
Người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật
Tuy nhiên, quy định này không nêu rõ việc khen thưởng được thực hiện cụ thể ra sao. Do vậy, tùy tình hình thực tế, người thực hiện tố cáo từng vụ việc cụ thể sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, khen thưởng ở mức độ và hình thức phù hợp.
Khiếu nại và tố cáo khác nhau như thế nào?
Khiếu nại (KN) là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trả lời:
Tố cáo (TC) là việc công dân theo thủ tục do pháp luật quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Sự khác biệt giữa KN và TC thể hiện trên các khía cạnh sau:
- Tất cả công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền KN. Khác với KN, chủ thể thực hiện quyền TC theo như quy định trong Luật TC chỉ có thể là công dân.
- Đối tượng KN là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, tác động trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của người KN. Đối tượng TC là hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
- Người KN phải KN đúng với cơ quan có thẩm quyền giải quyết KN. Người TC có thể TC hành vi vi phạm pháp luật đối với bất cứ cơ quan Nhà nước nào. Nếu TC không thuộc thẩm quyền giải quyết thì cơ quan nhận được có trách nhiệm chuyển đơn TC và thông báo bằng văn bản cho người TC biết; nếu người TC đến TC trực tiếp thì cơ quan đó có trách nhiệm hướng dẫn người TC đến cơ quan có thẩm quyền.
Người KN phải có hành vi năng lực đầy đủ (nếu không phải có người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ để thực hiện KN). Theo Bộ luật Dân sự, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải là người đủ 18 tuổi và không mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức hoặc điều khiển được hành vi của mình hoặc bị hạn chế năng lực hành vi do nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác. Tuy nhiên, có một số trường hợp, người chưa có năng lực hành vi đầy đủ có thể tự mình KN. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra, khi không đồng ý với quyết định của cơ quan xử lý có thể tự mình KN quyết định đó. Trường hợp người KN ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình KN thì được ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện KN.
Trong thời gian khiếu nại quyết định xử phạt giao thông thì có phải nộp phạt?
Rõ ràng tôi sang đường là có bật xi nhan nhưng bị cảnh sát giao thông xử phạt về việc này. Tôi muốn hỏi bây giờ làm đơn khiếu nại thì có phải nộp phạt không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp của bạn nếu không đồng ý với quyết định xử phạt giao thông thì bạn có quyền khiếu nại đến phòng cảnh sát giao thông nơi cảnh sát giao thông lập biên bản làm việc hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Khi khiếu nại thì bạn vẫn có trách nhiệm nộp tiền phạt theo quy định.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh