Ngày Chủ nhật NLĐ làm việc hưởng lương như ngày thường sau đó nghỉ bù có được không?
Ngày Chủ nhật NLĐ làm việc hưởng lương như ngày thường sau đó nghỉ bù có được không?
Trường hợp doanh nghiệp bố trí NLĐ làm ngày chủ nhật bình thường sau đó bố trí ngày nghỉ bù trong tuần có được không ạ? Mong sớm nhận hồi đáp.
Trả lời:
Tại Điều 111 Bộ luật lao động 2019, có quy định về nghỉ hằng tuần như sau:
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp phải bố trí cho NLĐ nghỉ 1 ngày trong tuần. Ngày nghỉ đó có thể được xác định là ngày chủ nhật hoặc các ngày khác trong tuần.
Vậy nên trường hợp trên, doanh nghiệp được bố trí NLĐ làm việc ngày chủ nhật hưởng lương như ngày thường và bố trí để NLĐ được nghỉ một ngày khác trong tuần.
Cho NLĐ nghỉ vì nhà máy bị cúp nước có phải trả lương ngừng việc không?
Tôi nhận được thông báo rằng nhà máy của tôi bị ngừng cung cấp nước hai ngày để nâng cấp, sữa chữa đường ống. Tôi cho công nhân nghỉ vì không có nước thì không sản xuất được. Cho hỏi trường hợp này tôi có phải trả lương cho công nhân trong hai ngày nghỉ này hay không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động 2019 có quy định về tiền lương ngừng việc như sau:
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, theo quy định như trên khi cho người lao động nghỉ dưới 14 ngày vì sự cố điện, nước không phải do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau về mức lương ngừng việc.
Trong trường hợp của bạn, bạn vẫn phải trả lương cho người lao động của mình. Mức lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận, tuy nhiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Có phải ký lại HĐLĐ khi đã chuyển thành HĐLĐ không xác định thời hạn?
Bộ luật Lao động có quy định "Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn". Vậy cho mình hỏi trường hợp này có nhất thiết phải tiến hành ký lại hợp đồng lao động không xác định thời hạn không?
Điểm b Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Điểm b Khoản 1 quy định về loại hợp đồng xác định thời hạn.
Về nguyên tắc khi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết sẽ trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Và cũng không có quy định nào bắt buộc trường hợp này các bên phải tiến hành ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn lại. Theo chúng tôi, hợp đồng đã ký sẽ tự động chuyển hóa và sẽ có giá trị như là hợp đồng không xác định thời hạn.
Cho nên việc có ký hợp đồng lại hay không không bắt buộc.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi