Thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh tại Tòa án là bao nhiêu tiền?
Thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh tại Tòa án là bao nhiêu?
Theo Điều 4 Nghị định 16/2021/NĐ-CP quy định về mức thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
1. Mức thu cho việc chi thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch tại Tòa án quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định này là 2.000.000 đồng/01 vụ việc.
2. Mức thu để chi các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này xác định như sau:
a) Đối với các khoản chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định: Mức thu căn cứ theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Đối với các khoản chi khác: Mức thu căn cứ theo thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật, đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về mua sắm thường xuyên nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan, đơn vị của nhà nước.
Theo đó, chi phí khi thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch là 2.000.000 đồng/01 vụ việc.
Các bên trong hòa giải tranh chấp về kinh doanh phải nộp chi phí hòa giải tại Tòa án là như nhau?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 16/2021/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
1. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nghĩa vụ nộp chi phí quy định tại Điều 3 Nghị định này theo tỷ lệ do các bên thỏa thuận.
2. Trường hợp không thỏa thuận được thì các bên có nghĩa vụ nộp chi phí quy định tại Điều 3 Nghị định này với tỷ lệ như nhau.
Như vậy, nếu các bên tham gia hòa giải tại Tòa án không thỏa thuận được tỷ lệ về nghĩa vụ nộp chi phí hòa giải thì mỗi bên phải nộp tỷ lệ chi phí như nhau. Do đó, công ty anh/chị sẽ phải chịu 50% chi phí hòa giải.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh