Cầu thủ đội tuyển có được chi trả tiền tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Cầu thủ đội tuyển có được chi trả tiền tham gia BHXH bắt buộc?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 152/2018/NĐ-CP quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định này tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hợp đồng làm việc tại cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định này trước khi được triệu tập đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hợp đồng lao động tại cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu theo quy định của pháp luật.
Cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm định kỳ hàng tháng chuyển số tiền tương ứng thuộc trách nhiệm của cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên cho cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu theo quy định của pháp luật.
3. Đối tượng quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định này trước khi được triệu tập không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiếp tục đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động tại cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu theo quy định của pháp luật.
Tiền lương tháng để đóng bảo hiểm cho các đối tượng này là tiền lương ngày quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này nhân với 26 ngày.
4. Đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định này được cơ quan sử dụng vận động viên mua bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức lương cơ sở trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; nếu trước khi được triệu tập chưa tham gia bảo hiểm y tế thì được cơ quan sử dụng vận động viên mua bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Theo đó, tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng như sau:
1. Huấn luyện viên, vận động viên là công dân Việt Nam được triệu tập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, gồm:
b) Huấn luyện viên đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia; đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
c) Vận động viên đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia; đội tuyển ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
Như vậy, theo quy định hiện hành thì tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc của cầu thủ đội tuyển nếu không do ngân sách nhà nước chi trả sẽ do Cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên chi trả hàng tháng.
Mức lương của vận động viên được quy định thế nào?
Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định này quy định mức lương của vận động viên theo ngày thực tế tập huấn, thi đấu như sau:
a) Vận động viên đội tuyển quốc gia: 270.000 đồng/người/ngày;
b) Vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia: 215.000 đồng/người/ngày;
c) Vận động viên đội tuyển ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 180.000 đồng/người/ngày.
Theo đó, mức lương đối với vận động viện tùy vào đội tuyển mà sẽ khác nhau từ 180.000 đến 270.000 đồng theo quy định như trên.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi