16 tuổi có được tự mang vàng đi cầm cố không? Cầm cố tài sản của người khác bị xử phạt thế nào?
16 tuổi có được tự mang vàng đi cầm cố hay không?
Cho hỏi: Em năm nay 16 tuổi. Do Tết em có được tiền lì xì mà dể dành mẹ em đã dẫn em đi mua vàng và tự dùng số tiền của em tích góp để mua. Tuy nhiên, gần đây em bị thiếu tiền sinh hoạt nên muốn đem cầm chiếc nhẫn vàng này. Vậy Ban tư vấn cho em hỏi em tự đi cầm vàng có được không ạ?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Đồng thời, Khoản 3 Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, năm nay bạn 16 tuổi, được xác định là người chưa thành niên, có tài sản riêng là vàng và muốn đi cầm cố tài sản này. Theo quy định hiện hành, vàng không phải là tài sản bắt buộc đăng ký quyền sở hữu, sử dụng.
Ngoài ra, các quy định pháp luật cụ thể về giao dịch cầm cố từ Điều 309 đến Điều 316 Bộ luật dân sự 2015 cũng không có điều khoản nào quy định đặc biệt đối với trường hợp cầm cố tài sản của người chưa thành niên trong trường hợp này.
Do vậy, bạn hoàn toàn có thể tự mang vàng của mình đi thực hiện giao dịch cầm cố mà không cần sự đồng ý của bố mẹ.
Cầm cố tài sản của người khác bị xử phạt thế nào?
Cho hỏi: Cho tôi hỏi là tài sản đứng tên tôi, do tôi sở hữu nhưng cha tôi lại đem đi cầm khi không có sự đồng ý và giấy tờ hợp pháp của tôi thì có xem như vi phạm pháp luật không? Và nếu tôi kiện cha tôi thì ông ta sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về cầm cố tài sản như sau:
- Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo quy định này, giao dịch cầm cố phát sinh khi bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố, để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Do đó, chỉ có bạn mới có quyền mang tài sản của mình đi cầm cố hoặc ủy quyền cho người khác mang đi cầm cố.
Như vậy, cha bạn mang tài sản của bạn đi cầm cố mà không có sự đồng ý của bạn và không có giấy tờ hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật.
Điểm e Khoản 2 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây, trong đó có hành vi:
+ Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố.
Như vậy, hành vi của cha bạn sẽ bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Mượn xe người khác rồi đi cầm cố, bị xử lý thế nào?
Cho hỏi: Xin chào luật sư. Tôi có vấn đề vướng mắc mong luật sư giải đáp. Đầu năm, tôi có cho bạn mượn chiếc xe ô tô hiệu Ford với thời hạn 01 tháng, có hợp đồng viết tay. Nhưng đến nay đã 06 tháng nhưng người bạn này không qua trả xe cho tôi. Vậy tôi có thể khởi kiện người bạn này được không ạ? Tôi xin cảm ơn.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 496 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên mượn tài sản, theo đó:
“1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
5. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả."
Trường hợp bên mượn vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản theo đúng thỏa thuận thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi người mượn tài sản cư trú để yêu cầu giải quyết buộc họ phải trả lại tài sản cho bạn.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân