Trình tự giải quyết hồ sơ gia hạn nộp thuế đối với bị thiệt hại vật chất, ngừng hoạt động sản xuất do gặp trường hợp bất khả kháng như thế nào?
Trình tự giải quyết hồ sơ gia hạn nộp thuế đối với bị thiệt hại vật chất, ngừng hoạt động sản xuất do gặp trường hợp bất khả kháng
Căn cứ Khoản 1 Điều 24 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về trình tự giải quyết hồ sơ gia hạn nộp thuế đối với bị thiệt hại vật chất, ngừng hoạt động sản xuất do gặp trường hợp bất khả kháng như sau:
1. Trình tự giải quyết hồ sơ gia hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại Điều 62 Luật Quản lý thuế
a) Người nộp thuế lập hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước.
b) Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế chưa đầy đủ theo quy định hoặc phát hiện có dấu hiệu sai phạm về giá trị vật chất bị thiệt hại trong hồ sơ do người nộp thuế tự xác định hoặc các sai sót khác, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế đầy đủ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế ban hành Thông báo không chấp thuận gia hạn nộp thuế (mẫu số 03/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này) đối với trường hợp không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế hoặc Quyết định gia hạn nộp thuế (mẫu số 02/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này) đối với trường hợp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế.
Xác định số tiền được gia hạn nộp thuế
Căn cứ Khoản 4 Điều 24 Thông tư trên quy định về xác định số tiền được gia hạn nộp thuế như sau:
3. Xác định số tiền được gia hạn nộp thuế
a) Đối với người nộp thuế gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ quy định tại điểm a khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế: Số tiền thuế được gia hạn nộp thuế là số tiền thuế nợ tính đến thời điểm người nộp thuế gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ nhưng không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có).
b) Đối với người nộp thuế gặp trường hợp bất khả kháng khác theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP: Số tiền thuế được gia hạn nộp thuế là số tiền thuế nợ tính đến thời điểm người nộp thuế gặp trường hợp bất khả kháng khác, nhưng không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có).
c) Đối với trường hợp di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế: Số tiền thuế được gia hạn là số tiền thuế nợ tính đến thời điểm người nộp thuế bắt đầu ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện di dời, nhưng không vượt quá chi phí thực hiện di dời và thiệt hại do phải di dời gây ra sau khi trừ đi các khoản được hỗ trợ, đền bù thiệt hại theo quy định. Chi phí di dời không bao gồm chi phí xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người nộp thuế không thực hiện di dời thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế đã được gia hạn và tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế đã được gia hạn nộp thuế.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo