Người lao động đổi tên thì hợp đồng lao động có bị vô hiệu không?
Người lao động đổi tên thì hợp đồng lao động có bị vô hiệu không?
Theo Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động như sau:
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Tại Điều 49 Bộ luật trên quy định về hợp đồng lao động vô hiệu:
1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì khi người sử dụng lao động và người lao động có nghĩa vụ phải cung cấp tên và thông tin thật khi giao kết hợp đồng. Do đó, tại thời điểm đó bạn đã cung cấp đúng thông tin của mình nên nghĩa vụ này của bạn đã hoàn thành về việc bạn đổi tên thì hợp đồng lao động của bạn vẫn sẽ có hiệu lực bởi việc bạn đổi tên không thuộc trường hợp vị phạm điều cấm hay nguyên tắc nào khi giao kết hợp đồng. Bạn cũng cần liên hệ để thay đổi thông tin về hợp đồng để trung khớp với những giấy tờ mà bạn đang thay đổi.
Hợp đồng vô hiệu thì sẽ xử lý như thế nào?
Căn cứ theo Điều 51 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu như sau:
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:
a) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;
b) Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
2. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, hợp đồng khi vô hiệu tùy vào phần vô hiệu mà sẽ được xử lý khác nhau và theo quy định như trên.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi