Định hướng phát triển nghiên cứu khoa học trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 như nào?
Căn cứ Tiểu mục 2 Mục III Điều 1 Quyết định 569/QĐ-TTg năm 2022 quy định về định hướng phát triển nghiên cứu khoa học như sau:
2. Định hướng phát triển nghiên cứu khoa học
a) Khoa học xã hội và nhân văn
- Nghiên cứu và dự báo các xu hướng phát triển trong giai đoạn đến năm 2030 và những thập niên tiếp theo bao gồm xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; xu hướng cạnh tranh và xung đột trong bối cảnh quốc tế; sự hình thành các liên kết mới trên thế giới và khu vực; xu thế phát triển bền vững; nghiên cứu dự báo những tác động của các xu hướng lớn toàn cầu, khu vực đến mô hình phát triển, thể chế và an ninh của Việt Nam; nghiên cứu chính sách và giải pháp cho Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển, đảm bảo an ninh và nâng cao vị thế của Việt Nam.
- Tiếp tục tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phục vụ hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển và bảo vệ đất nước trong từng giai đoạn; nghiên cứu lý luận phát triển trong bối cảnh mới để cung cấp luận cứ cho việc xác định và làm rõ chặng đường trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
- Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; đổi mới quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình mới trong từng giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nghiên cứu đổi mới, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; cải cách và tăng cường hiệu lực pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quốc phòng, an ninh quốc gia.
- Nghiên cứu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới; xác định đúng và phát huy tối đa vai trò của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân để tạo động lực phát triển mới; dự báo và đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu tác động của các thách thức, rủi ro nội tại và bên ngoài, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững đất nước, các vùng, địa phương.
- Nghiên cứu xác định điều kiện, giải pháp, lộ trình đổi mới, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và của nền kinh tế.
- Nghiên cứu đặc điểm, cơ cấu và xu thế phát triển của xã hội Việt Nam dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bối cảnh hội nhập quốc tế và các thách thức an ninh phi truyền thống; nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý xã hội trong điều kiện chuyển đổi số; xác định điều kiện, biện pháp, lộ trình xây dựng xã hội Việt Nam phát triển, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh vào năm 2045 và lộ trình, bước đi cụ thể cho 10 năm tới.
- Nghiên cứu đặc điểm hình thành, vận động và phát triển văn hóa, dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam và tác động của các xu thế mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, công nghiệp văn hóa phục vụ công cuộc phát triển đất nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; chú trọng các cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các nhóm yếu thế trong xã hội, vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để bảo đảm phát triển bao trùm, hài hòa giữa các cộng đồng dân cư.
- Nghiên cứu giáo dục, đào tạo, hình thành con người Việt Nam trong thời đại mới với tư cách là chủ thể xã hội, phát triển toàn diện, mang đậm tính nhân văn và các giá trị văn hóa tốt đẹp, có chuyên môn, kỹ năng, khả năng sáng tạo, đổi mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
- Nghiên cứu về chính sách đổi mới xanh, tập trung về các khía cạnh môi trường kết hợp với sinh thái, xã hội phù hợp với bối cảnh toàn cầu hoá.
b) Khoa học tự nhiên
- Xây dựng nền khoa học cơ bản hiện đại, bám sát các xu hướng của thế giới. Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thể mạnh và nhu cầu để vươn lên đạt trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế như toán học, vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển.
- Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, tương tác giữa tự nhiên - con người - xã hội, quá trình biến đổi khí hậu ở Việt Nam làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn và công nghệ về biển, đại dương nhằm xác lập luận cứ khoa học cho việc xây dựng quy hoạch, hoạch định, hoàn thiện chính sách phát triển, quản lý, khai thác nguồn lợi từ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững; cung cấp căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để phục vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia; nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn về bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững.
- Tập trung nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng nhằm tiếp thu, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn để đưa vào ứng dụng nhanh, sáng tạo, có hiệu quả và phổ biến rộng rãi các công nghệ tiên tiến trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, đời sống và quản lý xã hội nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh