Mất học bạ cấp 3 và bằng tốt nghiệp THCS làm sao để thi THPT quốc gia?

Mất học bạ cấp 3 và bằng tốt nghiệp THCS làm như thế nào để thi THPT quốc gia? Nơi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT được tổ chức như thế nào? Em học hết lớp 12 nhưng chưa có bằng tốt nghiệp, giờ em muốn thi kỳ thi THPT để tốt nghiệp nhưng do sự cố nên bị mất học bạ cấp 3 và bằng tốt nghiệp THCS. Cho em hỏi giờ làm sao để thi THPT quốc gia ạ? Và em đăng ký dự thi ở đâu? Em cám ơn ạ!

Mất học bạ cấp 3 và bằng tốt nghiệp THCS làm như thế nào để thi THPT quốc gia? 

Căn cứ Khoản 1 Điều 12 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định về đối tượng, điều kiện dự thi như sau:

1. Đối tượng dự thi gồm:

a) Người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi;

b) Người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước;

c) Người đã có Bằng tốt nghiệp THPT, người đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh;

d) Một số trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định.

Căn cứ Khoản 2 Điều 13 Quy chế trên quy định về hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quy định như sau:

2. Hồ sơ ĐKDT:

a) Đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế này, hồ sơ ĐKDT gồm: 02 Phiếu ĐKDT giống nhau; bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu (gọi chung là bản sao) học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX do Hiệu trưởng trường phổ thông cấp; các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có), bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; 02 ảnh cỡ 4x6 cm;

b) Đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Quy chế này, ngoài các hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, hồ sơ ĐKDT phải có thêm: Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 hoặc nơi thí sinh ĐKDT về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Quy chế này; bản sao Bằng tốt nghiệp THCS; Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do Hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận;

c) Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, hồ sơ ĐKDT gồm: 02 Phiếu ĐKDT giống nhau; bản sao Bằng tốt nghiệp THPT; 02 ảnh cỡ 4x6 cm;

d) Đối với thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp, hồ sơ ĐKDT gồm: 02 Phiếu ĐKDT giống nhau; 02 ảnh cỡ 4x6 cm; bản sao Bằng tốt nghiệp THCS, bản sao Bằng tốt nghiệp trung cấp, bản sao Sổ học tập hoặc bảng điểm học các môn văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT.

Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT quy định về nguyên tắc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ như sau:

2. Văn bằng, chứng chỉ được cấp một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 18 của Quy chế này.

Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT quy định về cấp lại văn bằng, chứng chỉ như sau:

1. Trường hợp văn bằng, chứng chỉ đã cấp nhưng phát hiện bị viết sai do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm cấp lại bản chính văn bằng, chứng chỉ.

Theo đó, văn bằng, chứng chỉ chỉ được cấp một lần nên bạn có thể sử dụng bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao Bằng tốt nghiệp THCS để đăng ký thi tốt nghiệp THPT. 

Căn cứ Điều 27 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định về cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc như sau:

1. Cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc là việc cơ quan đang quản lý sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao.

2. Trường hợp mẫu bản sao văn bằng, chứng chỉ tại thời điểm cấp bản sao đã thay đổi, cơ quan đang quản lý sổ gốc sử dụng mẫu bản sao văn bằng, chứng chỉ hiện hành để cấp cho người học.

3. Các nội dung ghi trong bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc phải chính xác so với sổ gốc.

Như vậy, bạn có thể đề nghị trường THPT và THCS bạn đã theo học cấp lại bản sao từ sổ gốc học bạ và bằng tốt nghiệp. Khi đi cần mang theo Chứng minh nhân để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra. Sau đó, bạn sử dụng bản sao này để đăng ký dự thi THPT quốc gia. 

Nơi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT được tổ chức như thế nào?

Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định về nơi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT như sau:

1. Nơi ĐKDT:

a) Đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế này ĐKDT tại trường phổ thông nơi học lớp 12;

b) Đối tượng theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 12 Quy chế này ĐKDT tại địa điểm (gọi là nơi ĐKDT) do sở GDĐT quy định. Thủ trưởng đơn vị nơi ĐKDT có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 60 Quy chế này.

Như vậy, bạn đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT nên sẽ đăng ký dự thi tại địa điểm  do sở GDĐT quy định.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thi tốt nghiệp THPT

Tạ Thị Thanh Thảo

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào