Các thông tin phải được ghi ở trong hợp đồng xây dựng?
Các thông tin phải được ghi trong hợp đồng xây dựng?
Xin chào anh chị, tôi là kỹ sư xây dựng, tôi đang tìm hiểu các quy định về hợp đồng xây dựng. Anh chị cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì những thông tin nào phải được ghi trong hợp đồng xây dựng? Xin giải đáp giúp tôi.
Trả lời: - Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
- Điều kiện chung của hợp đồng xây dựng là tài liệu kèm theo hợp đồng quy định quyền, nghĩa vụ cơ bản và mối quan hệ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng.
- Điều kiện cụ thể của hợp đồng xây dựng là tài liệu kèm theo hợp đồng để cụ thể hóa, bổ sung một số quy định của điều kiện chung của hợp đồng xây dựng.
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì Thông tin về hợp đồng xây dựng phải được ghi trong hợp đồng, bao gồm:
1. Loại hợp đồng, số hợp đồng, tên gói thầu, tên dự án, địa điểm xây dựng và căn cứ ký kết hợp đồng.
2. Tên giao dịch của các bên tham gia ký kết hợp đồng, đại diện của các bên, địa chỉ đăng ký kinh doanh hay địa chỉ để giao dịch, mã số thuế, giấy đăng ký kinh doanh, số tài khoản, điện thoại, fax, e-mail, thời gian và địa điểm ký kết hợp đồng, các thông tin liên quan khác.
3. Trường hợp bên nhận thầu là liên danh các nhà thầu thì phải ghi đầy đủ thông tin của các thành viên trong liên danh theo quy định tại Khoản 2 Điều này, trong đó phải ghi rõ thành viên đứng đầu liên danh.
Trên đây là quy định về thông tin về hợp đồng xây dựng phải được ghi trong hợp đồng.
Nguyên tắc ký hợp đồng xây dựng
Chào Ban tư vấn, tôi hiện là nhân viên văn phòng cho một công ty xây dựng, ban tư vấn cho tôi hỏi: ký hợp đồng xây dựng dựa trên những nguyên tắc nào? Vui lòng hỗ trợ giúp.
Trả lời: Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Tại Khoản 2 Điều 138 Luật xây dựng 2014 có quy định nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng gồm:
- Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
- Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;
- Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;
- Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đồng thời, tại Điều 4 Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng, ngoài việc các bên ký kết hợp đồng xây dựng phải phù hợp tại khoản 2 Điều 138 Luật xây dựng 2014 thì các bên còn phải bảo đảm nguyên tắc:
- Tại thời điểm ký kết hợp đồng bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với nhà thầu liên danh, việc phân chia khối lượng công việc trong thỏa thuận liên danh phải phù hợp với năng lực hoạt động của từng thành viên trong liên danh. Đối với nhà thầu chính nước ngoài, phải có cam kết thuê thầu phụ trong nước thực hiện các công việc của hợp đồng dự kiến giao thầu phụ khi các nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
- Chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính thì nội dung của các hợp đồng này phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các công việc của hợp đồng để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng.
- Tổng thầu, nhà thầu chính được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
- Giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng, trừ khối lượng phát sinh ngoài phạm vi công việc của gói thầu được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Yêu cầu nghiệm thu, bàn giao sản phẩm các công việc hoàn thành trong hợp đồng xây dựng
Tôi là kỹ sư xây dựng, tôi đang tìm hiểu các quy định về hợp đồng xây dựng. Anh chị cho tôi hỏi Yêu cầu nghiệm thu, bàn giao sản phẩm các công việc hoàn thành trong hợp đồng xây dựng như thế nào? Xin giải đáp giúp tôi.
Trả lời: - Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
- Điều kiện chung của hợp đồng xây dựng là tài liệu kèm theo hợp đồng quy định quyền, nghĩa vụ cơ bản và mối quan hệ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng.
- Điều kiện cụ thể của hợp đồng xây dựng là tài liệu kèm theo hợp đồng để cụ thể hóa, bổ sung một số quy định của điều kiện chung của hợp đồng xây dựng.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì Nghiệm thu, bàn giao sản phẩm các công việc hoàn thành:
- Các thỏa thuận về quy trình nghiệm thu, bàn giao của các bên tham gia hợp đồng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Các công việc cần nghiệm thu, bàn giao; căn cứ nghiệm thu, bàn giao; quy trình, thời điểm nghiệm thu, bàn giao sản phẩm các công việc hoàn thành; thành phần nhân sự tham gia nghiệm thu, bàn giao; biểu mẫu nghiệm thu, bàn giao; các quy định về người ký, các biên bản, tài liệu nghiệm thu, bàn giao phải đúng với quy định của pháp luật và được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
- Các bên chỉ được nghiệm thu, bàn giao các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
- Đối với những công việc theo yêu cầu phải được nghiệm thu trước khi chuyển qua các công việc khác, bên nhận thầu phải thông báo trước cho bên giao thầu để nghiệm thu theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Đối với các sản phẩm sai sót (chưa bảo đảm yêu cầu của hợp đồng) thì phải được sửa chữa, trường hợp không sửa chữa được thì phải loại bỏ. Bên nào gây ra sai sót thì bên đó phải chịu toàn bộ chi phí liên quan đến sửa chữa, kiểm định lại và các chi phí khác liên quan đến việc khắc phục sai sót, cũng như tiến độ thực hiện hợp đồng.
Trên đây là quy định về yêu cầu nghiệm thu, bàn giao sản phẩm các công việc hoàn thành trong hợp đồng xây dựng.
Trân trọng!
Lê Bảo Y