Có thể thanh toán hợp đồng xây dựng trước hạn được hay không?
Thanh toán hợp đồng xây dựng trước hạn được không?
Công ty tôi là bên nhận thầu về xây dựng, chúng tôi đã thỏa thuận thanh toán hợp đồng xây dựng theo 04 giai đoạn, dựa vào tiến trình công việc đã được giao cụ thể. Chúng tôi đang thực hiện giai đoạn 03 nhưng không đủ kinh phí để tiếp tục thực hiện, vậy cho hỏi công ty tôi có thể yêu cầu thanh toán trước hạn để có kinh phí tiếp tục thực hiện không?
Trả lời: Căn cứ Điều 19 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định thanh toán hợp đồng xây dựng như sau:
- Trường hợp trong kỳ thanh toán các bên chưa đủ điều kiện để thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng (chưa có dữ liệu để điều chỉnh giá, chưa đủ thời gian để xác định chất lượng sản phẩm,...) thì có thể tạm thanh toán. Khi đã đủ điều kiện để xác định giá trị thanh toán thì bên giao thầu phải thanh toán cho bên nhận thầu theo đúng quy định.
- Bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ (100%) giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
=> Theo thông tin bạn cung cấp là đang thực hiện hợp đồng xây dựng trong giai đoạn 03, nhưng không đủ kinh phí, do đó bạn có thể thỏa thuận với bên giao thầu để được tạm thanh toán, và sau khi hoàn thành giai đoạn 03 sẽ tiến hành thanh toán hợp đồng xây dựng giai đoạn 03 theo quy định trên.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Tạm ứng hợp đồng xây dựng là gì?
Tôi hiện là nhân viên văn phòng cho một công ty xây dựng, vừa qua có nghe các đồng nghiệp nói chuyện nhắc đến tạm ứng hợp đồng xây dựng, tôi vẫn chưa rõ lắm, nên nhờ Ban tư vấn hỗ trợ giúp: Tạm ứng hợp đồng xây dựng là gì?
Trả lời: Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng, có quy định tạm ứng hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước không lãi suất cho bên nhận thầu để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng.
** Lưu ý: Việc tạm ứng hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi hợp đồng xây dựng có hiệu lực, riêng đối với hợp đồng thi công xây dựng thì phải có cả kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, đồng thời bên giao thầu đã nhận được bảo lãnh tiền tạm ứng (nếu có) tương ứng với giá trị của từng loại tiền mà các bên đã thỏa thuận.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Hướng dẫn việc bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng
Công ty chúng tôi là công ty xây dựng, vì nhu cầu công việc tôi cần biết việc bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng được tiến hành như thế nào? Nên nhờ Ban tư vấn hướng dẫn giúp.
Trả lời: Tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng, có quy định bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng như sau:
a) Đối với hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng, trước khi bên giao thầu thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu, bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị và loại tiền tương đương khoản tiền tạm ứng hợp đồng. Không bắt buộc phải bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đối với các hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng và các hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mục tiêu.
b) Trường hợp bên nhận thầu là liên danh các nhà thầu thì từng thành viên trong liên danh phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng cho từng thành viên, trừ trường hợp các thành viên trong liên danh thỏa thuận để nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo lãnh tạm ứng hợp đồng cho bên giao thầu.
c) Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng. Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm dần tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa các bên.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Lê Bảo Y