Đi xuất khẩu lao động có bị thu hồi chứng chỉ hành nghề điều dưỡng không?
Đi xuất khẩu lao động có bị thu hồi chứng chỉ hành nghề điều dưỡng không?
Xin cho tôi hỏi, nếu đi xuất khẩu lao động ngành hộ lý (điều dưỡng) trong 3 năm thì có bị thu hồi chứng chỉ hành nghề điều dưỡng không ạ? Vì tôi không thể đi học lớp cập nhật kiến thức được.
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về chứng chỉ hành nghề bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
- Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền;
- Chứng chỉ hành nghề có nội dung trái pháp luật;
- Người hành nghề không hành nghề trong thời hạn 02 năm liên tục;
- Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh;
- Người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 02 năm liên tiếp;
- Người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề;
- Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này.
Như vậy, nếu không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 02 năm liên tiếp thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ. Do đó, trường hợp chị đi xuất khẩu nước ngoài 03 năm mà không mà tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ.
Chị căn cứ quy định trên để đối chiếu với trường hợp của mình.
Cử nhân xét nghiệm có được xin cấp chứng chỉ hành nghề y khác nơi thực hành?
Em là cử nhân xét nghiệm đang trong thời gian học việc để làm chứng chỉ hành nghề và em muốn hỏi là: Em có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Giang và em có xác nhận thực hành kỹ thuật viên tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Vậy em có thể xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Sở Y tế Hà Nội không ạ?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người xin cấp chứng chỉ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:
+ Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;
+ Giấy chứng nhận là lương y;
+ Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định này, kết hợp với quy định về thời gian thực hành tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì địa điểm thực hành của người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không bắt buộc phải tại địa bàn mà người đó xin cấp chứng chỉ.
Do vậy, trường hợp chị là cử nhân xét nghiệm, chị chỉ cần đáp ứng các điều kiện nêu trên, có 09 tháng thực hành tại cơ sở khám, chữa bệnh thì khi thực hành tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, chị hoàn toàn được nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Sở Y tế Hà Nội.
Thực hành tại phòng khám 12 tháng thì có được cấp chứng chỉ hành nghề y không?
Mình hiện tại muốn xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho Y sĩ. Mà hiện tại mình đã có thời gian là 12 tháng thực hành tại phòng khám rồi. Vậy thì đã đủ thời gian thực hành theo quy định chưa?
Trả lời:
Theo Điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định về xác nhận quá trình thực hành như vậy:
1. Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
a) 18 tháng thực hành tại bệnh viện, việc nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sĩ;
b) 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;
c) 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên.
d) 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên
2. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về quá trình thực hành cho người đã thực hành tại cơ sở của mình, bao gồm nội dung về thời gian, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Căn cứ quy định trên, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải qua thời gian thực hành 12 tháng tại bệnh viện đối với Y sĩ. Do đó, thời gian thực hành ở phòng khám của bạn chưa đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi