Sinh viên làm việc part time có phải ký hợp đồng lao động? Có buộc phải ghi thông tin của người thân trong hợp đồng lao động?
Sinh viên làm việc part time có phải ký hợp đồng lao động không?
Dạ, em sinh viên năm 2, nay muốn xin làm công việc phụ quán cafe. Tuy nhiên, thời gian lâu dài khoảng 7 tháng nhưng không thường xuyên, tại em bận học nữa. Nên em muốn hỏi, trường hợp như vậy có phải ký kết hợp đồng lao động hay không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 32 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, có thể thấy người làm việc Part time là người lao động làm việc không trọn vẹn thời gian và được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Do đó, vẫn thuộc trường hợp phải ký kết hợp đồng lao động theo quy định. Đồng thời, bạn có nhu cầu làm việc 8 tháng nên sẽ giao kết hợp đồng bằng văn bản với người SDLĐ.
Có buộc phải ghi thông tin của người thân trong hợp đồng lao động không?
Dạ, em năm nay 24 tuổi ở Hà Nội, em thấy rất vô lý khi vừa rồi em có đi ứng tuyển trong công ty xuất nhập khẩu hàng hóa và qua vòng phỏng vấn đến lúc ký hợp đồng lao động thì họ bắt khai thông tin người thân trong gia đình, bao gồm: Cha, mẹ và anh chị ruột. Theo luật thì có bắt buộc khai như vậy không? Vì em thấy đây là thông tin cá nhân của người trong nhà em.
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, tại Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về nội dung này không đề cập đến vấn đề bắt buộc khai thông tin người thân trong trường hợp của bạn. Do đó, việc cung cấp thông tin người thân này không phải là yếu tố bắt buộc.
Người lao động muốn sửa hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không đồng ý thì phải làm sao?
Dạ, em có ký kết hợp đồng lao động với công ty xuất nhập khẩu hải sản. Hợp đồng và nội dung thỏa thuận không vi phạm pháp luật, nhưng em muốn sửa lại một số nội dung khác trước đây, em có báo cho công ty rồi nhưng họ không đồng ý, bây giờ em phải làm sao, có được đơn phương chấm dứt hợp đồng không báo trước được không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 3 Điều 33 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật này có quy định:
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Do đó, trường hợp mà bạn đề cập hợp đồng hai bên ký kết những điều khoản, nội dung không vi phạm pháp luật nếu trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết và ở trường hợp này bạn cũng không được đơn phương chấm dứt mà không báo trước. Vì thế, để bảo đảm quyền lợi của mình thì bạn cần tiếp tục thực hiện hợp đồng, nếu không thì bạn có thể chấm dứt nhưng phải báo trước thời gian theo quy định đối với từng loại hợp đồng.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn