Phải sử dụng được ngoại ngữ mới có thể làm Chuyên viên chính chuyên ngành hành chính đúng không?
Phải sử dụng được ngoại ngữ mới có thể làm Chuyên viên chính chuyên ngành hành chính?
Căn cứ Khoản 3 Điều 6 Thông tư 2/2021/TT-BNV quy định về ngạch Chuyên viên chính như sau:
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật về ngành, lĩnh vực công tác và các kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý;
b) Có khả năng tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình hành động và hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, quy định về quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực hoặc địa phương công tác;
c) Nắm được tình hình và xu thế phát triển của ngành, lĩnh vực công tác trong nước và thế giới; có khả năng tổ chức nghiên cứu phục vụ quản lý và xử lý thông tin quản lý;
d) Có năng lực làm việc độc lập hoặc phối hợp theo nhóm; có kỹ năng soạn thảo văn bản và thuyết trình các vấn đề được giao nghiên cứu, tham mưu;
đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Như vậy, đối với Chuyên viên chính chuyên ngành hành chính công tác ở vùng dân tộc thiểu số thì có thể sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số thay cho ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định như trên.
Phải tham gia xây dựng ít nhất bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật mới có thể thi nâng ngạch Chuyên viên chính?
Theo quy định tại Khoản 5 Điều trên như sau:
5. Yêu cầu đối với công chức dự thi nâng ngạch lên ngạch chuyên viên chính:
a) Có thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với ngạch chuyên viên thì thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch;
b) Trong thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương đã tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
Theo đó, chuyên viên phải tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 1 văn bản quy phạm pháp luật và đạt các yêu cầu trên mới có thể dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh