Con riêng được nhận di sản thừa kế từ cha dượng hay không? Có thể yêu cầu Tòa án chưa thực hiện việc chia di sản không?
Con riêng được nhận di sản thừa kế từ cha dượng không?
Bố tôi mất khi tôi năm 4 tuổi, đến 4 năm sau mẹ tôi tái giá với một người cùng làng. Sau khi kết hôn mẹ tôi và dượng tôi có 3 người con. Năm 2017 dượng tôi qua đời, vậy cho tôi hỏi tôi được hưởng di sản mà dượng tôi để lại không?
Trả lời:
Theo Điều 654 Bộ luật dân sự 2015 quy định quan hệ thừa kế giữa con riêng, bố dượng, mẹ kế như sau:
"Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này."
Như vậy, nếu bạn và dượng bạn có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con thì được nhận phần di sản như con đẻ.
Có thể yêu cầu Tòa án chưa thực hiện việc chia di sản không?
Anh trai tôi bị tai nạn giao thông qua đời đột ngột. Trước giờ mọi chi phí sinh hoạt trong nhà anh đều lo cho cha mẹ và tôi. Đồng thời anh có 1 căn nhà riêng được mua trước khi lấy vợ và hiện đang cho thuê. Khi anh mất thì chi phí sinh hoạt của cha mẹ và tôi phụ thuộc hoàn toàn vào tiền cho thuê nhà trên. Nhưng chị dâu lại yêu cầu bán căn nhà và chia ra để chị đi lấy chồng khác. Xin hỏi, trường hợp này tôi phải xử lý thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 quy đinh về hạn chế phân chia di sản như sau:
- Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
- Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Như vậy, nếu mà việc phân chia di sản thừa kế của anh bạn để lại mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bạn và cha mẹ như trên thì bạn có thể yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản. Thời hạn tối đa tạm ngưng việc chia di sản là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Di sản không đủ thanh toán nợ nần thì có được dùng vào việc thờ cúng?
Xin chào ban biên tập, tôi làm việc tại Spa chăm sóc sắc đẹp, tôi có khách hàng có người chồng rất giàu, có nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai. Tuy nhiên người này nợ nần cũng rất nhiều, tuần trước người này chết do bị tai biến. Ông ta có để lại di chúc cho các con. Và trong nội dung di chúc có nội dung là sẽ để căn nhà lớn phục vụ cho việc thờ cúng. Tuy nhiên gần đây ngân hàng có đến thông báo xiết nợ của ông này. Tôi có chút thắc mắc là căn nhà của người này có được dùng vào việc thờ cúng không? Xin giải đáp giúp tôi.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 về di sản dùng vào việc thờ cúng thì:
"1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng."
=>Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Trường hợp toàn bộ di dản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản vào việc thờ cúng. Do đó, người đàn ông trong tình huống tuy có nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai nhưng tổng tài sản của người này không đủ để thanh toán nghĩa vụ tìa sản thì sẽ không được dùng căn nhà để dùng vào việc thờ cúng.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn