Nhiệm vụ thực hiện các công cụ, biện pháp quản lý nợ hiện đại và nghĩa vụ nợ dự phòng theo Chiến lược nợ công đến năm 2030?
Nhiệm vụ thực hiện các công cụ, biện pháp quản lý nợ hiện đại theo Chiến lược nợ công đến năm 2030
Căn cứ Điểm b Khoản 5 Điều 1 Quyết định 460/QĐ-TTg năm 2022 quy định:
b) Thực hiện các công cụ, biện pháp quản lý nợ hiện đại
- Chủ động kết hợp linh hoạt các công cụ nợ, kênh huy động trong và ngoài nước tùy theo điều kiện thị trường để đảm bảo danh mục nợ Chính phủ đáp ứng các mục tiêu quản lý rủi ro đặt ra.
- Triển khai công cụ quản lý nợ Chính phủ theo quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn với quản lý ngân sách nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, bảo đảm hiệu quả, an toàn và thanh khoản của ngân sách nhà nước.
- Tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ gắn với tái cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ theo hướng tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên khi thị trường thuận lợi để vừa huy động vốn cho ngân sách nhà nước, vừa kéo dài kỳ hạn bình quân danh mục nợ trái phiếu Chính phủ.
- Căn cứ điều kiện thị trường tích cực thực hiện các nghiệp vụ cơ cấu lại nợ (nghiệp vụ mua lại, hoán đổi, sử dụng công cụ phái sinh và các nghiệp vụ khác) với chi phí phù hợp để cơ cấu lại danh mục nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giãn nghĩa vụ trả nợ gốc qua các năm, giảm áp lực thanh khoản cho ngân sách nhà nước.
- Đối với áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng cao trong trung, dài hạn, xem xét điều chỉnh cơ chế, chính sách để bố trí một phần ngân sách nhà nước trả nợ gốc, qua đó giảm gánh nặng nợ. Đối với các khoản vay, công cụ nợ huy động thời gian tới cần tính toán để đảm bảo lịch trả nợ dàn đều, không để nghĩa vụ trả nợ tập trung vào một số năm.
- Nghiên cứu thông lệ quốc tế, tiến tới áp dụng phương pháp thống kê nợ nước ngoài của khu vực công theo nguyên tắc nơi cư trú của chủ nợ để phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế; đồng thời theo dõi chỉ tiêu nợ nước ngoài theo tiêu chí ngoại tệ để quản lý rủi ro tỷ giá. Báo cáo tách bạch nợ nước ngoài của khu vực công (nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh) và nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
- Áp dụng các biện pháp củng cố kiểm soát dòng vốn song song với kiểm soát theo hạn mức rút vốn ròng, bao gồm:
+ Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng một số biện pháp bổ trợ quản lý nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động vay nước ngoài ngắn, trung - dài hạn: áp dụng giới hạn về mức vay nước ngoài theo từng nhóm doanh nghiệp; yêu cầu thực hiện biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với các khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ; cải tiến cơ chế báo cáo và chế tài phù hợp với biện pháp kiểm soát vay ngắn, trung - dài hạn; kiểm soát việc vay nợ của các tổ chức tín dụng thông qua các tỷ lệ đảm bảo an toàn...
+ Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền về khả năng áp dụng biện pháp giám sát thông qua các chỉ tiêu an toàn song song với việc điều chỉnh khung pháp lý về quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả theo hướng không áp dụng hạn mức trần nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.
Nhiệm vụ về nghĩa vụ nợ dự phòng theo Chiến lược nợ công đến năm 2030
Căn cứ Điểm e Khoản 5 Điều 1 Quyết định 460/QĐ-TTg năm 2022 quy định:
e) Về nghĩa vụ nợ dự phòng
Kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước từ các hoạt động bảo lãnh Chính phủ, cho vay lại vốn vay nước ngoài. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về dự phòng rủi ro trong ngân sách nhà nước đối với các nghĩa vụ nợ phát sinh từ các dự án hợp tác công tư, bảo lãnh Chính phủ.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi