Hành vi mua bán thuốc lá điện tử bị cấm không?
Mua bán thuốc lá điện có bị cấm không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định về giải thích từ ngữ như sau:
2. “Sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác đùng để hút, nhai, ngửi.
Theo đó, thuốc lá điện tử tạo khói mà người dùng hít vào phổi bằng cách đốt nóng dịch lỏng, dịch lỏng này có chứa chắc thành phần của thuốc nên thuốc lá điện tử được coi là một sản phẩm thuốc lá.
Thuốc lá điện tử được xem là một dạng của thuốc lá nên việc mua bán, kinh doanh mua bán thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện như khi kinh doanh mua bán thuốc lá.
Ngành nghề kinh doanh thuốc lá theo quy định của pháp luật Việt Nam là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi thực hiện hoạt động kinh doanh mua, bán chủ thể phải đáp ứng các điều kiện sau tại khoản 3 Điều 26 Nghị định 67/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 106/2017/NĐ-CP và Nghị định 08/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá:
3. Điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá:
a) Thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) CĐịa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012;
c) (bãi bỏ)
d) Có văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh;
đ) (bãi bỏ)
Chủ thể phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua bán sản phẩm của thuốc lá theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Nghị định 67/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 106/2017/NĐ-CP và Nghị định 08/2018/NĐ-CP như sau:
3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận mã số thuế;
c) Bản sao các văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh;
d) (bãi bỏ).
Như vậy, pháp luật Việt Nam không cấm hành vi mua bán thuốc lá điện tử. Tuy nhiên không phải chủ thể nào cũng được phép kinh doanh mua bán thuốc lá, mà chỉ có những chủ thể đáp ứng được những điều kiện của quy định pháp luật mới được phép kinh doanh.
Những hành vi buôn bán thuốc lá điện tử nào bị xử lý?
Căn cứ Khoản 2, Khoản 6, Khoản 7 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;
b) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;
c) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh;
d) Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, 3, 4 Điều này.
Mua bán thuốc lá điện tử nói riêng và thuốc lá nói chung theo quy định của pháp luật là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do đó chủ thể phải có giấy phép kinh doanh nếu không sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng, kèm theo các hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Ngoài ra, trong trường hợp buôn bán thuốc lá không có nguồn gốc tùy thuộc vào giá trị của lô hàng hóa mà không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có số tiền phạt tương ứng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Mua bán thuốc lá điện tử nhập lậu được pháp luật coi là hành vi buôn bán hàng cấm. Người có hành vi kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có thể bị xử lý hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người có hành vi buôn bán thuốc lá điện tử nhập lậu có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù cao nhất lên đến 15 năm, nếu pháp nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng.
Như vây, tùy tính chất mức độ mà hành vi vi phạm kinh doanh mua bán thuốc lá điện tử bị xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo