Quy định về biên soạn tài liệu chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm như nào?
Quy định về biên soạn tài liệu chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm
Căn cứ Tiểu mục 1 Mục V Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm ban hành kèm theo Quyết định 1078/QĐ-BGDĐT năm 2022 quy định về biên soạn tài liệu như sau:
a) Trên cơ sở Chương trình bồi dưỡng quy định tại văn bản này, các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu bồi dưỡng theo quy định. Tài liệu bồi dưỡng được biên soạn khoa học, nội dung chuyên đề phải phù hợp với vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp giảng viên CĐSP.
b) Các chuyên đề phải được biên soạn theo kết cấu mở để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng và giảng viên/báo cáo viên thường xuyên bổ sung, cập nhật và phát triển những nội dung mới trong các văn bản quy phạm pháp luật, tiến bộ khoa học và các quy định cụ thể của Bộ, ngành, địa phương cũng như kinh nghiệm thực tiễn vào nội dung bài giảng. Tài liệu được biên soạn theo nhiều dạng thức khác nhau để giúp học viên thuận lợi trong tiếp cận, học tập và tự bồi dưỡng, như: Tài liệu bồi dưỡng, tài liệu bản mềm, powerpoint, video, bài tập thực hành.
Phương pháp và hình thức bồi dưỡng trong chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm
Theo Tiểu mục 2 Mục V Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm ban hành kèm theo Quyết định 1078/QĐ-BGDĐT năm 2022 quy định về phương pháp và hình thức bồi dưỡng như sau:
a) Yêu cầu về phương pháp và hình thức bồi dưỡng
- Chương trình bồi dưỡng có nhiều nội dung đòi hỏi gắn liền lý thuyết với thực hành. Do vậy, hoạt động dạy - học phải đảm bảo kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; giữa kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tăng cường nghiên cứu và phân tích tình huống thực tiễn;
- Các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng có thể lựa chọn hình thức bồi dưỡng phù hợp với bối cảnh: Trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp cả 2 hình thức;
- Ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực, đa dạng hóa hình thức dạy học nhằm hỗ trợ học viên tiếp thu được tối đa kiến thức, kỹ năng cần thiết, giúp cho việc học tập và công tác sau này.
b) Yêu cầu đối với giảng viên/báo cáo viên tham gia bồi dưỡng
- Giảng viên/Báo cáo viên tham gia bồi dưỡng chương trình này bao gồm: Giảng viên trong các cơ sở GDĐH tối thiểu có chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) quy định tại Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ; giảng viên trong các trường CĐSP tối thiểu có chức danh nghề nghiệp giảng viên CĐSP chính (hạng II) quy định tại Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT , có kiến thức, kinh nghiệm trong công tác đào tạo, quản lý và NCKH; những nhà quản lý, nhà khoa học có chức danh tối thiểu tương đương chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), giảng viên CĐSP chính (hạng II) và có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực GDĐH và CĐSP;
- Giảng viên/Báo cáo viên tham gia bồi dưỡng cần nắm bắt tài liệu, thường xuyên cập nhật văn bản mới, kiến thức mới, các bài tập tình huống điển hình trong thực tiễn để trang bị cho học viên những kiến thức, phát triển kỹ năng cơ bản, thiết thực, sát với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên CĐSP.
c) Yêu cầu đối với học viên
- Tham gia đầy đủ chương trình học theo kế hoạch: thực hiện đúng nội quy của đơn vị tổ chức lớp học;
- Tăng cường chia sẻ những kinh nghiệm, tình huống thực tiễn và cách xử lý khác nhau để giải quyết vấn đề;
- Nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận trên lớp, làm bài tập tình huống theo yêu cầu nội dung bài giảng.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh