Tố cáo công an nhưng không công khai tên mình có được không?
Tố cáo “ẩn danh” về hành vi vi phạm pháp luật của công an được không?
Căn cứ quy định tại Điều 7 Thông tư 129/2020/TT-BCA quy định về việc xử lý tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo như sau:
Khi nhận được thông tin tố cáo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật Tố cáo, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo tổ chức kiểm tra thông tin về người bị tố cáo, hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được nêu trong nội dung tố cáo và các thông tin khác có liên quan, nếu có tài liệu cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm và có cơ sở để xác minh thì tiến hành kiểm tra hoặc thanh tra đột xuất phục vụ công tác quản lý; nếu không có tài liệu cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật hoặc không có cơ sở để xác minh thì không xem xét, xử lý.
Như vậy, bạn có thể tố cáo hành vi vi phạm của công an mà không cần ghi thông tin cá nhân của bạn nhưu tên, địa chỉ hay số điện thoái.
Trình tự, thủ tục xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm của công an như thế nào?
Căn cứ Điều 9 Thông tư này quy định về trình tự xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm của công an như sau:
1. Khi nhận nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền, trong thời hạn 07 ngày làm việc, người giải quyết tố cáo phải tự mình hoặc giao cho cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ người tố cáo; làm việc trực tiếp với người tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (nếu cần thiết) để xác định các điều kiện thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn kiểm tra có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc. Việc ủy quyền kiểm tra, xác minh thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.
2. Trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì người giải quyết tố cáo không thụ lý và thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu quy định cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo; trường hợp việc kiểm tra, xác minh các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này được giao cho cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng thì cơ quan, đơn vị, cá nhân đó báo cáo đề xuất trình người giải quyết tố cáo ký văn bản thông báo.
3. Trường hợp không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc tố cáo không đủ điều kiện thụ lý do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thì người giải quyết tố cáo xử lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và khoản 2 Điều 26, Luật Tố cáo.
4. Trường hợp tố cáo đủ điều kiện thụ lý thì người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo, cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng được giao kiểm tra, xác minh các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này báo cáo, đề xuất, trình người giải quyết tố cáo ban hành quyết định thụ lý tố cáo.
5. Trường hợp hành vi bị tố cáo đang diễn ra gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải tự mình hoặc giao cho cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng áp dụng ngay biện pháp cần thiết để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo