Thủ tục tiến hành phiên họp xét miễn chấp hành án phạt tù được quy định ra sao?
Thủ tục tiến hành phiên họp xét miễn chấp hành án phạt tù được quy định như thế nào?
Tại Điều 12 Thông tư liên tịch 01/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP có quy định về thủ tục tiến hành phiên họp xét miễn chấp hành án phạt tù như sau:
1. Thư ký phiên họp báo cáo sự có mặt, vắng mặt của những người được Tòa án triệu tập và lý do vắng mặt.
2. Chủ tọa khai mạc phiên họp, giới thiệu thành phần Hội đồng, Kiểm sát viên tham gia phiên họp, Thư ký phiên họp.
3. Đại diện Viện kiểm sát trình bày hồ sơ đề nghị xét miễn chấp hành án phạt tù. Các thành viên của Hội đồng hỏi thêm đại diện Viện kiểm sát về những điểm chưa rõ.
Trường hợp phiên họp có người chấp hành án phạt tù hoặc người đại diện hợp pháp, người giám định, người phiên dịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phiên họp thì Chủ tọa phiên họp điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
4. Chủ tọa phiên họp điều hành thảo luận.
5. Căn cứ vào hồ sơ đề nghị, ý kiến của Viện kiểm sát; người tham gia phiên họp (nếu có), Hội đồng xét miễn chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định như sau:
a) Không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án phạt tù;
b) Chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án phạt tù.
6. Mọi diễn biến tại phiên họp được ghi vào biên bản và lưu hồ sơ xem xét đề nghị. Biên bản phiên họp phải có chữ ký của chủ tọa phiên họp và Thư ký phiên họp.
Quyết định về việc xét miễn chấp hành án phạt tù bao gồm những nội dung gì?
Tại Điều 13 Thông tư liên tịch 01/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP có quy định về những nội dung trong quyết định về việc xét miễn chấp hành án phạt tù như sau:
1. Quyết định về việc xét miễn chấp hành án phạt tù có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Họ tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;
d) Họ tên, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành án phạt tù; Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật; Bản án, quyết định khác (nếu có); số, ngày, tháng, năm của quyết định thi hành án phạt tù;
đ) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết;
e) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị;
g) Căn cứ pháp luật để giải quyết đề nghị;
h) Quyết định của Tòa án;
i) Hiệu lực thi hành.
2. Quyết định về việc xét miễn chấp hành án phạt tù phải được gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Thi hành án hình sự.
3. Quyết định về việc xét miễn chấp hành án phạt tù có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và có thể bị kháng nghị. Trình tự, thủ tục giải quyết kháng nghị thực hiện theo quy định tại các chương XXII, XXV và XXVI của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân