Việc xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững theo Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới 2030?
- Nội dung về việc xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững theo Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030
- Nội dung về việc cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước theo Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030
Nội dung về việc xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững theo Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030
Theo Điểm c Khoản 2 Điều 1 Quyết định 412/QĐ-TTg năm 2022 quy định về việc xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa:
- Tiếp tục củng cố nền tảng tài khóa lành mạnh, tập trung cải thiện điểm số về thu ngân sách thông qua hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt.
- Cải thiện các chỉ số tài khóa, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ so với GDP.
- Tiếp tục tăng cường minh bạch chính sách tài khóa; đẩy mạnh việc quản lý, điều hành tài chính ngân sách theo trung hạn, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm; thực hiện kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm theo quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế; tăng cường áp dụng các thông lệ quốc tế tốt trong quản lý rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đảm bảo vay nợ bền vững.
Nội dung về việc cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước theo Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030
Theo Điểm d Khoản 2 Điều 1 Quyết định 412/QĐ-TTg năm 2022 quy định về việc cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước:
d) Cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước.
- Tăng cường xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh, tiếp tục tái cấu trúc ngành ngân hàng, giảm thiểu rủi ro nợ xấu thông qua các biện pháp tăng cường vốn hóa các ngân hàng thương mại, cải thiện chất lượng tài sản và các khoản cho vay của ngân hàng, cải thiện tỷ lệ tài sản và nợ, đẩy mạnh tiến độ xử lý các tài sản có vấn đề/nợ xấu còn lại.
- Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng, mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ vào các lĩnh vực rủi ro cao.
- Theo dõi sát, đảm bảo mọi khoản vay Chính phủ bảo đảm được thanh toán đầy đủ, đúng hạn.
- Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.
- Tăng cường tính minh bạch, công khai dữ liệu của ngân hàng và doanh nghiệp để cải thiện khả năng dự báo về hiệu quả tài chính.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi