Có được giành quyền nuôi con khi vợ ngoại tình? Vợ chồng ly hôn nhưng không có khả năng nuôi con, giải quyết như thế nào?
Có được giành quyền nuôi con khi vợ ngoại tình và đánh lô đề
Vợ tôi ngoại tình và đánh lô đề thi khi ly hôn tôi có được quyền nuôi con không?
Trả lời:
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, trong trường hợp của bạn vợ ngoại tình và đánh lô đề thì bạn có thể làm đơn ly hôn, tuy nhiên để giành được quyền nuôi con thì cần xem xét độ tuổi của con cũng như điều kiện chăm sóc con của cả hai bên.
Bạn cần chứng minh được bạn có đủ điều kiện nuôi dạy các con tốt hơn vợ của bạn, bạn đưa ra những căn cứ về việc vợ ngoại tình và đánh lô đề, nếu con đủ 3 tuổi thì bạn là người có nhiều lợi thế hơn.
Vợ chồng ly hôn nhưng không có khả năng nuôi con, giải quyết thế nào?
Vợ chồng tôi vì quá nghèo, không có công việc ổn định, không đảm bảo được cuộc sống nên phải ly hôn. Hiện nay có 1 người con đã 4 tuổi nhưng hoàn cảnh của chúng tôi không thể nào nuôi nổi cháu. Ban biên tập cho tôi hỏi khi ly hôn thì con của chúng tôi sẽ được chia như thế nào? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:
Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Điều 52 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thứ tự ưu tiên của người giám hộ đương nhiên như sau:
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Như vậy, thứ tự ưu tiên lần lượt là anh, chị ruột; ông, bà nội, ngoại; cô, dì, chú, bác (là anh, chị em của bố, hoặc mẹ của người chưa thành niên) sẽ là người giám hộ cho con của Anh/Chị. Trong trường hợp người thân thích không có điều kiện làm giám hộ thì áp dụng chế độ cử người giám hộ theo Điều 54 Bộ luật dân sự 2015.
Trong trường hợp Anh/Chị, người thân thích của Anh/Chị không có khả năng nuôi dưỡng bé thì phải có trách nhiệm báo cáo UBND xã nơi con của Anh/Chị thường trú để họ tìm gia đình thay thế cho con của Anh/Chị theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 15 Luật nuôi con nuôi 2010. Cụ thể:
Trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết. Hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.
Như vậy, hai vợ chồng Anh/Chị dù đã ly hôn không đồng nghĩa với việc chấm dứt nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con. Trừ khi cả hai người chứng minh được không đủ các điều kiện vật chất, tinh thần để nuôi con thì tòa án sẽ trao quyền nuôi con cho người giám hộ. Trường hợp không tìm được người giám hộ thích hợp thì sẽ yêu cầu UBND cấp xã tìm gia đình mới cho trẻ, trong thời gian này thì cháu sẽ tạm thời được nuôi tại cơ sở nuôi dưỡng tại địa phương.
Người đồng tính có được nhận nuôi con nuôi không?
Kính chào Ban biên tập, cho em hỏi vấn đề sau: Vợ chồng em là người đồng tính, chúng em đã kết hôn được 02 năm. Nay vợ chồng em có ý định xin con nuôi dưới danh nghĩa là vợ chồng thì không biết có được không? Vợ chồng em cần phải đáp ứng những điều kiện gì? Mong Ban biên tập tư vấn giúp. Em chân thành cảm ơn rất nhiều
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Và theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì hôn nhân giữa những người cùng giới tính không được thừa nhận ở Việt Nam và hai bạn cũng không được xem là vợ chồng. Vì vậy, một trong hai bạn chỉ có thể nhận con nuôi dưới danh nghĩa là một người độc thân và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010. Hai bạn không thể nhận nuôi con nuôi dưới danh nghĩa là vợ chồng.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn