Con có được xin trích lục giấy tờ ly hôn của bố mẹ không? Cha mất việc có bị truất quyền nuôi con không?
Con cái có được xin trích lục giấy tờ ly hôn của bố mẹ không?
Chào anh chị, bố mẹ em ly hôn đã lâu, em là con gái có thể trích lục lại giấy tờ ly hôn của bố mẹ em được không ạ? Em có giấy khai sinh, CMND photo của mẹ và Sổ hộ khẩu. Vậy em đi trích lục được không? Anh chị hướng dẫn thủ tục cho em với. Mong anh chị giải đáp giúp em với ạ.
Trả lời:
Việc cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án là quyền của đương sự theo Khoản 21 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Thủ tục xin trích lục bản án ly hôn của Tòa án:
- Đối tượng áp dụng :
Người bị kết án, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án do TAND đã xét xử sơ thẩm phúc thẩm, hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm nếu có nhu cầu sao lục các bản án, quyết định của Tòa án thì làm đơn gửi đến TAND để được cấp các bản sao. Trong đơn cần ghi rõ tên vụ án, số và ngày bản án hoặc quyết định.
- Hồ sơ cần thiết:
+ Đơn sao lục bản án
+ Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân
- Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ.
- Trình tự giải quyết: Khi nhận được đơn sao lục bản án thì bộ phận tiếp nhận đơn sẽ gửi lên Chánh án ký duyệt, sau đó chuyển xuống Văn phòng, Văn phòng chuyển đến cán bộ lưu trữ, cán bộ lưu trữ đến kho lưu trữ tìm hồ sơ vụ án và photo bản án trình Chánh Văn phòng ký sao y.
- Địa điểm tiếp nhận: Trụ sở Tòa án nhân dân nơi xin sao lục.
Trong trường hợp bố mẹ ly hôn thì con cái là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Do đó, trong trường hợp này bạn có thể xin trích lục ly hôn của bố mẹ.
Trên đây là ý kiến hỗ trợ của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.
Cha mất việc có bị truất quyền nuôi con không?
Tôi và anh lấy nhau có với nhau 02 mặt con (một 08 tuổi và một 10 tuổi), một trai và một gái. Khi ly hôn, tòa giao cho mỗi người nuôi 01 con. Lúc đó, anh có công việc ổn định. Nhưng giao con cho ông bà nội chăm sóc, chứ không trực tiếp nuôi con. Hiện tại anh bị mất việc và chưa có việc làm mới dẫn đến cuộc sống tinh thần của con đã không được tốt. Nay lại mất cả về vật chất. Vậy tôi có được giành quyền nuôi con với anh không? Tôi có công việc ổn định, và trực tiếp nuôi dạy các con được. Và con tôi cũng có nguyện vọng muốn về sống với mẹ.
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có yêu cầu của cha, mẹ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Lưu ý: Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp bạn xác định chồng bạn không trực tiếp nuôi dưỡng con mà giao cho ông bà nội là đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của con. Mặt khác, hiện tại chồng bạn đã mất việc, chưa có công việc mới, có thể được xem là không có thu nhập để nuôi con.
Nên có thể xác định anh ấy không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Do đó, bạn có thể gửi đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con lên Tòa án nhân dân để được giải quyết theo thẩm quyền.
Mặt khác, hiện tại con của bạn đã trên 07 tuổi (một 08 tuổi và một 10 tuổi) nên nguyện vọng của con muốn về sống chung với mẹ cũng là một trong các điều kiện quan trong để Tòa án xem xét.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Làm thế nào để giành được quyền nuôi con khi ly hôn?
Em tên là Nguyễn Thị Mỹ, hiện tại em đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, em và chồng có một con nhỏ 5 năm tuổi, nhưng trong quá trình chung sống có những sự bất hòa không hòa giải được nên em muốn ly hôn, em có công việc ổn định có thể lo tốt cho con em. Vậy làm sao để em giành được quyền nuôi con khi ly hôn thưa luật sư?
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trường hợp đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì vợ, chồng có thể yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn (vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn) hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng (vợ chồng không cùng yêu cầu ly hôn).
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được thực hiện theo quy định tại Luật Hôn nhân và và gia đình 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo đó, Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và và gia đình 2014 có quy định về vấn đề này như sau:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì về nguyên tắc việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi con sau ly hôn sẽ do vợ, chồng tự thỏa thuận với nhau. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con nhưng phải đảm bảo nguyên tắc sau đây:
- Con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi.
Tuy nhiên, trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì Tòa án có thể xem xét giao con dưới 36 tháng tuổi giao con cho cha hoặc người khác đáp ứng đủ điều kiện để chăm sóc con vì lợi ích của con.
Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì bạn và vợ nên thỏa thuận với nhau về việc nuôi con. Nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Nếu bạn muốn giành quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh được hai vấn đề sau đây để Tòa án xem xét:
- Thứ nhất: Chồng của bạn không đủ các điều kiện về vật chất và tinh thần để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Thứ hai: Bạn đáp ứng đủ các điều kiện về vật chất và tinh thần để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi