Chồng đòi lại quyền nuôi con sau khi ly hôn 02 năm được không? Ông bà có giành quyền nuôi cháu ngoại được không?
Chồng có đòi lại quyền nuôi con sau khi ly hôn 02 năm?
Em chào Luật sư ạ. Em muốn hỏi một chút về việc của em ạ. Vợ chồng em kết hôn năm 2012 và có 2 con 1 cháu gái năm 2013 và 1 cháu trai năm 2014. Đến năm 2017 thì vợ chồng em ly hôn. Trong biên bản ly hôn vợ chồng em không đề cập đến vấn đề ai nuôi con và trợ cấp thế nào....... em chỉ đồng ý tạm thời là để 2 con ở với mẹ, nhưng bây giờ e muốn nuôi 1 cháu để giảm bớt gánh nặng cũng như lo cho các cháu được tốt hơn, nhưng vợ e khồng đồng ý và còn cắt hoàn toàn liên lạc với e? Vậy bây giờ e có thể đưa ra tòa án để nhờ toà án phân xử việc nuôi con hay ko? Và e sẽ được nuôi cháu nào ạ? Kính mong Luật sư giải đáp hộ em ạ.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, để giành lại quyền nuôi con, bên muốn được nuôi con có thể:
- Thỏa thuận với vợ/chồng cũ về việc được trực tiếp nuôi con và chăm sóc con;
- Tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con;
- Đề nghị Người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Trường hợp bạn thỏa thuận với vợ cũ nhưng vợ cũ của bạn không đồng ý cho bạn chăm sóc con thì bạn có thể tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Vấn đề bạn có được quyền nuôi con không hoặc được nuôi cháu nào thì Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện thu nhập của bạn, hoàn cảnh kinh tế liệu bạn và vợ cũ của bạn có chăm sóc được cho con hay không? Như vậy phải căn cứ vào bản án của Tòa án sau khi xét xử vụ án về thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị.
Ông bà có được giành quyền nuôi cháu ngoại không?
Vợ chồng tôi có người con gái đã kết hôn và chúng tôi có một cháu ngoại. Vợ chồng con gái tôi suốt ngày đánh đề, cờ bạc, mượn nợ xã hội đen nên họ thường xuyên đến nhà đập phá. Nay hai vợ chồng quyết định ly hôn nhưng tôi không muốn để cháu ngoại tôi cho chúng nó chăm sóc nên tôi muốn đem cháu về nhà nuôi. LS cho tôi hỏi trong trường hợp này thì tôi có thể kiện ra tòa để giành quyền nuôi cháu ngoại khi vợ chồng con gái tôi ly hôn được không? Mong LS tư vấn giúp tôi, xin cảm ơn
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, vấn đề ai sẽ là người nuôi con sau khi ly hôn sẽ do 02 vợ chồng người con thỏa thuận, nếu hai vợ chồng không thể thỏa thuận thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định dựa trên các yếu tố như vật chất, tinh thần, nguyện vọng của con (nếu con đủ 07 tuổi),... để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho đứa trẻ.
Trường hợp cả hai vợ chồng đều bị Tòa án tuyên không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì lúc này quyền nuôi con được chuyển cho người thân thích theo quy định tại Điểm b Khoản 2 và Điểm a Khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
Theo đó, người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời (Khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì ông bà ngoại không thể giành quyền nuôi cháu. Ông bà chỉ được quyền nuôi cháu khi cả hai vợ chồng (tức ba mẹ của đứa trẻ) bị Tòa án tuyên không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con.
Ban biên tập thông tin đến bác!
Đi nước ngoài làm việc có ảnh hưởng đến quyền nuôi con khi ly hôn không?
Xin chào anh chị! Tôi có thắc mắc rất mong nhận được sự tư vấn của anh chị. Vợ chồng anh Kiên đang làm thủ tục ly hôn và có tranh chấp về quyền nuôi con. Anh Kiên dự định sau khi ly hôn xong sẽ ra nước ngoài làm việc vì thời điểm đó, con anh đã hơn 5 tuổi. Vậy cho hỏi việc anh ra nước ngoài làm việc có ảnh hưởng đến quyền nuôi con hay không? Rất mong nhận được phản hồi sớm từ anh chị. Trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!
Trả lời:
Khoản 1, 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về người trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con của anh Kiên đã 5 tuổi nên về nguyên tắc, nếu vợ chồng không thỏa thuận được về quyền nuôi con thì bên nào chứng minh điều kiện nuôi con tốt hơn thì sẽ được tòa án giao con. Các điều kiện nuôi con dựa vào các yếu tố như:
- Điều kiện về vật chất: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên có thể dành cho con. Điều này dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
- Các yếu tố về tinh thần: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.
Như vậy, trường hợp của anh Kiên, nếu anh có dự định đi nước ngoài làm việc sau ly hôn thì điều kiện về thời gian chăm sóc con sẽ là một yếu tố bất lợi cho anh. Khả năng giành quyền nuôi con của anh Kiên sẽ tương đối thấp vì không đủ điều kiện về thời gian để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi