Hàng xóm có được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn hay không?
Hàng xóm có được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn không?
Căn cứ Điểm d Khoản 2 Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
2. Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
a) Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;
b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
c) Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;
d) Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Do đó, bạn có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp như đã đề cập trên thì được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tức là bị đơn.
Giấy tờ phải nộp khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn?
Căn cứ Điểm d Khoản 4 Điều 75 Bộ luật trên quy định:
4. Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Luật sư xuất trình các giấy tờ theo quy định của Luật luật sư;
b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư;
c) Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động xuất trình văn bản của tổ chức đó cử mình tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tập thể người lao động;
d) Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm d khoản 2 Điều này xuất trình giấy yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân.
Do đó, bạn khi đến Tòa án đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn thì cần mang theo giấy yêu cầu của bị đơn và giấy tờ tùy thân.
Trân trọng!
Lê Bảo Y