Thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại, có các chế tài hình sự nào đối với pháp nhân thương mại phạm tội?
Thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại
Khi nhận được quyết định xử phạt của Tòa án thì sau bao lâu pháp nhân thương mại đương nhiên được xóa án tích? Đây là câu hỏi gửi về từ bạn Minh Bảo - Nhân viên của một công ty trên địa bàn Tp.HCM.
Trả lời:
Tại Điều 89 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:
Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Như vậy, thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại là 02 năm.
Lưu ý: theo như luật có quy định: Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Các chế tài hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Chào các anh/chị, em là sinh viên khoa Luật thương mại. Trong lúc tìm hiểu các vấn đề về pháp nhân nhưng vẫn chưa rõ là đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ bị áp dụng các chế tài hình sự nào? Vui lòng hướng dẫn giúp.
Trả lời:
Tại Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
- Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
- Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
- Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.
- Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
- Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
- Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.
- Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.
- Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
b) Cấm huy động vốn;
- Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.
- Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:
+ Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư;
+ Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;
+ Cấm huy động vốn khách hàng;
+ Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;
+ Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
- Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này.
- Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Xử lý pháp nhân thương mại phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
Nhờ được giải đáp giúp vấn đề liên quan đến xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại. Cho tôi hỏi xử lý pháp nhân thương mại phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn!
Ngọc Thiện - Đồng Nai
Trả lời:
Xử lý pháp nhân thương mại phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm được quy định tại Khoản 5 Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, theo đó:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn