Tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại bằng hàng hóa và dịch vụ trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi?
Tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại bằng hàng hóa và dịch vụ trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Căn cứ theo Điều 90 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định:
Điều 90. Tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại bằng hàng hóa và dịch vụ
1. Việc tiếp nhận hàng viện trợ nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện theo Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Quản lý thuế. Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hồ sơ gửi đến cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan hàng viện trợ nhập khẩu gồm:
a) Điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại, văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của đơn vị nhập khẩu;
b) Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án hoặc Quyết định đầu tư chương trình và Văn kiện dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan.
2. Hồ sơ hoàn thuế hoặc miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại gửi đến cơ quan thuế gồm:
a) Điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại, văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại: 01 bản chụp;
b) Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án hoặc Quyết định đầu tư chương trình và Văn kiện dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt: 01 bản chụp;
c) Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật liên quan tới hoàn thuế hoặc miễn thuế;
d) Giấy đề nghị xác nhận chi phí hợp lệ vốn sự nghiệp và giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư của chủ dự án theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (đối với vốn ODA không hoàn lại do bên Việt Nam trực tiếp quản lý, thực hiện).
3. Sau khi giao nhận hàng hóa, chủ dự án, phi dự án lập hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước để ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước theo quy định. Hồ sơ ghi thu ghi chi gồm có:
a) Điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại, văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
b) Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án hoặc Quyết định đầu tư chương trình và Văn kiện dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
c) Giấy đề nghị ghi thu, ghi chi theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;
d) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu: Hợp đồng, vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương, hóa đơn thương mại hoặc tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với trường hợp không có hóa đơn thương mại: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan. Trường hợp hàng hóa mua trong nước: Hợp đồng mua bán, hóa đơn thuế giá trị gia tăng, biên bản bàn giao hàng hóa: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
đ) Quyết định giao dự toán vốn ODA không hoàn lại hoặc dự toán điều chỉnh bổ sung trong năm của cấp có thẩm quyền trong trường hợp xác định được giá trị của hàng hóa, hiện vật.
4. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán ghi thu ghi chi giá hàng hóa nhập khẩu là giá không bao gồm các khoản thuế, phí và lệ phí theo quy định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Căn cứ theo Điều 97 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định:
Điều 97. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, định hướng, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh, thành phố.
2. Xây dựng Đề xuất chương trình, dự án, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Văn kiện dự án, phi dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo thẩm quyền.
3. Phối hợp với cơ quan đề xuất ký kết trong việc trình cấp có thẩm quyền về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án do mình làm chủ quản quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 29 và khoản 2, 3 Điều 32 của Nghị định này và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 4 Điều 29 của Nghị định này và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế đó theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 3 Điều 32 của Nghị định này và tổ chức thực hiện thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.
5. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
6. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
7. Bảo đảm công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện, giải ngân chương trình, dự án, hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của chương trình, dự án do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.
8. Bố trí vốn trả nợ ngân sách trung ương đầy đủ, đúng hạn để trả nợ nước ngoài đối với chương trình, dự án áp dụng cơ chế ngân sách trung ương cho ngân sách cấp tỉnh vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi