Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong sử dụng vốn ODA quy định như thế nào?
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Căn cứ theo Điều 91 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định:
Điều 91. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Chủ trì soạn thảo chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ nước ngoài; định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
2. Chủ trì soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo thẩm quyền.
3. Chủ trì xác định nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ các Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung, điều ước quốc tế cụ thể, thoả thuận khung về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 4 Điều 29 của Nghị định này; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận khung và thoả thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 3 Điều 32 của Nghị định này.
6. Tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án nhóm A; gửi văn bản thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về Đề xuất chương trình, dự án được phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án và đề nghị xem xét tài trợ.
7. Tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; gửi văn bản thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về dự án, phi dự án đã được phê duyệt và đề nghị xem xét tài trợ sau khi chủ trương thực hiện, Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.
8. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng điều ước quốc tế khung và điều ước quốc tế cụ thể, thoả thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
9. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng điều ước quốc tế về vốn ODA không hoàn lại không gắn với khoản vay với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.
10. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình, dự án theo quy định của pháp luật.
11. Thực hiện giám sát, đánh giá, kiểm tra và thanh tra chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật về giám sát và đánh giá đầu tư công và quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
12. Làm đầu mối giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, những vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành để đảm bảo tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp xử lý các vấn đề về vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trong trường hợp cần thiết, chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với cơ quan chủ quản, chủ dự án, Ban quản lý dự án và nhà tài trợ nước ngoài để xem xét, đánh giá và giải quyết kịp thời những vướng mắc theo thẩm quyền.
13. Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp theo định kỳ 6 tháng, một năm và đột xuất về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Căn cứ theo Điều 93 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định:
Điều 93. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ nước ngoài, định hướng, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.
2. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối các nguồn vốn này (đối với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và ngân hàng quốc tế khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện).
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình cấp có thẩm quyền về việc ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA không hoàn lại không gắn với khoản vay với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Nghị định này.
4. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc trình cấp có thẩm quyền về việc ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận khung và thoả thuận cụ thể về vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đối với các tổ chức tài chính tiền tệ và ngân hàng quốc tế mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện.
5. Cho ý kiến về ngân hàng đủ điều kiện làm ngân hàng phục vụ cho chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi