Xử lý hành chính thế nào với người bị tâm thần sử dụng ma túy?
Người bị tâm thần sử dụng ma túy bị xử phạt hành chính như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Vậy, với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý vi phạm hành chính như trên. Tuy nhiên, tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.
Và căn cứ Khoản 15 Điều 2 Luật này Giải thích từ ngữ như sau:
15. Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Người tâm thần mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì sẽ không bị xử lý vi phạm hành chính. Những người tâm thần mà không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì sẽ chịu xử lý vi phạm hành chính với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Như vậy, nếu chứng minh bệnh tâm thần của em bạn làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì em bạn sẽ không bị xử lý vi phạm hành chính.
Người bị tâm thần có bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không?
Trường hợp em bạn chỉ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy 2021 như sau:
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Trong trường hợp em bạn thuộc trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên:
Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định các trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
Và căn cứ Khoản 15 Điều 2 Luật này Giải thích từ ngữ như sau:
15. Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Như vậy, nếu chứng minh được bệnh tâm thần của em làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì em bạn sẽ không bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo