Ai có thẩm quyền chỉnh sửa bằng tốt nghiệp bị sai? Hiệu trưởng có trách nhiệm gì trong việc in phôi, cấp, quản lý bằng tốt nghiệp?
Ai có thẩm quyền chỉnh sửa bằng tốt nghiệp bị sai?
Căn cứ Điều 10 Thông tư 10/2017/TT-BLĐTBXH quy định về thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung bằng tốt nghiệp như sau:
Người có thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung bằng tốt nghiệp là hiệu trưởng của trường đã cấp bằng tốt nghiệp và đang quản lý sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp. Trường hợp trường cấp bằng tốt nghiệp đã sáp nhập, chia, tách hoặc có sự điều chỉnh về thẩm quyền thì người có thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung bằng tốt nghiệp là thủ trưởng cơ quan đang quản lý sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp.
Bên cạnh đó tại Điều 11 Thông tư này bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 24/2020/TT-BLĐTBXH cũng quy định về các trường hợp chỉnh sửa nội dung bằng tốt nghiệp như sau:
Người được cấp bằng tốt nghiệp có quyền yêu cầu chỉnh sửa nội dung ghi trên bằng tốt nghiệp trong trường hợp sau:
1. Được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc xác nhận việc thay đổi hoặc cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính.
2. Được cơ quan có thẩm quyền bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch, đăng ký khai sinh quá hạn, đăng ký lại việc sinh theo quy định của pháp luật.
3. Người học đã ký nhận bằng tốt nghiệp nhưng nội dung ghi trên bằng tốt nghiệp bị ghi sai do lỗi của nhà trường.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì việc bạn bị sai tên do nhà trường in sai thuộc trường hợp yêu cầu chỉnh sửa nội dung ghi trên bằng tốt nghiệp. Do đó, sẽ thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng nhà trường.
Hiệu trưởng có trách nhiệm gì trong việc in phôi, cấp, quản lý bằng tốt nghiệp?
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 10/2017/TT-BLĐTBXH quy định trách nhiệm của hiệu trưởng các trường trong việc in phôi, cấp, quản lý bằng tốt nghiệp như sau:
1. Ban hành quy định về quy trình in, quản lý việc in, bảo quản, bảo mật, sử dụng phôi bằng tốt nghiệp, quản lý việc cấp phát bằng tốt nghiệp; kiểm tra, thanh tra việc in, bảo quản, sử dụng phôi và cấp phát bằng tốt nghiệp, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân và chế tài xử lý khi để xảy ra vi phạm để áp dụng thống nhất tại trường.
2. Lập hồ sơ quản lý việc in, sử dụng phôi, cấp, thu hồi, hủy bỏ phôi bằng tốt nghiệp.
3. Cử cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý, cấp phát bằng tốt nghiệp.
4. Đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ đối với việc in, quản lý phôi bằng tốt nghiệp theo quy định của pháp luật.
5. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị in, phòng chống cháy nổ để bảo quản phôi bằng tốt nghiệp.
6. Quy định các ký hiệu nhận dạng phôi bằng tốt nghiệp do trường in để phục vụ việc bảo mật, nhận dạng và chống làm giả phôi bằng tốt nghiệp.
7. Quy định việc lập số hiệu, số vào sổ cấp bằng tốt nghiệp theo yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này. Đảm bảo mỗi số hiệu chỉ được ghi duy nhất trên một phôi bằng tốt nghiệp; mỗi số vào sổ cấp bằng tốt nghiệp được ghi duy nhất trên một bằng tốt nghiệp đã cấp cho người học.
8. Thường xuyên chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động in, quản lý, sử dụng phôi, cấp phát bằng tốt nghiệp đối với đơn vị được giao nhiệm vụ trong trường mình.
9. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý bằng tốt nghiệp đã cấp cho người học và công bố công khai thông tin về cấp bằng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử.
10. Chịu trách nhiệm cá nhân trước cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra vi phạm trong hoạt động in, quản lý, sử dụng phôi, cấp phát bằng tốt nghiệp tại trường.
11. Báo cáo bằng văn bản cho cơ quan trực tiếp quản lý trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi đặt trụ sở của trường trước ngày 10 tháng 01 của năm tiếp theo về quá trình thực hiện in phôi, sử dụng phôi bằng tốt nghiệp; số lượng phôi bằng tốt nghiệp đã in, số lượng phôi bằng tốt nghiệp đã sử dụng, số lượng bằng tốt nghiệp cấp trong năm.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi