Nội dung về vốn dư của dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được quy định như thế nào?
Nội dung về vốn dư của dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được quy định thế nào?
Căn cứ theo Điều 48 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định về vốn dư của dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi như sau:
1. Vốn dư chỉ được sử dụng sau khi đã bố trí đầy đủ vốn để hoàn thành các mục tiêu của dự án hoặc các hạng mục trong phân kỳ đầu tư đối với dự án gồm nhiều khoản vay phân kỳ.
2. Trường hợp thực sự cần thiết sử dụng vốn dư để phát huy hiệu quả và không dẫn đến thay đổi mục tiêu chính tại Quyết định chủ trương đầu tư của chương trình, dự án đang thực hiện:
a) Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về sự cần thiết, tính hiệu quả của việc sử dụng vốn dư; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư văn bản đề xuất sử dụng vốn dư, ý kiến chấp thuận sử dụng vốn dư của nhà tài trợ nước ngoài và các tài liệu có liên quan;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ nước ngoài, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
3. Trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn dư để thực hiện chương trình, dự án mới: Cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan làm việc với nhà tài trợ nước ngoài để thống nhất việc sử dụng vốn dư, cơ chế tài chính áp dụng theo quy định hiện hành và thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư quy định tại Điều 14, 15, 16, 17, 18 của Nghị định này.
4. Hủy vốn dư: Cơ quan chủ quản tổng hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị Bộ Tài chính hủy vốn dư của chương trình, dự án. Trên cơ sở đề xuất hủy vốn dư của cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính thông báo hủy vốn dư cho nhà tài trợ.
Trường hợp phát sinh phí hủy vốn hoặc các loại phí khác, cơ quan chủ quản tổng hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị Bộ Tài chính hủy vốn dư của chương trình, dự án. Trên cơ sở đề xuất của cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép hủy vốn dư trước khi thông báo hủy vốn dư cho nhà tài trợ.
Quy định về việc quản lý xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, kiểm toán, quyết toán
Bên cạnh đó tại Điều 49 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định:
1. Đối với dự án đầu tư xây dựng, việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng; cấp phép xây dựng; quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo hiểm công trình xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý xây dựng và điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
2. Đối với chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, sau khi hoàn thành, cơ quan chủ quản tổ chức nghiệm thu và tiến hành các biện pháp cần thiết để tiếp tục khai thác và phát huy kết quả đạt được cũng như thực hiện quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài chính và tài sản của chương trình, dự án.
3. Việc kiểm toán, quyết toán chương trình, dự án phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi