Thay đổi chủ đầu tư cấp 1 trong dự án đầu tư xây dựng đô thị có cần được chấp thuận hay không?
Thay đổi chủ đầu tư cấp 1 trong dự án đầu tư xây dựng đô thị có cần được chấp thuận không?
Căn cứ Điều 19 Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị như sau:
1. Thay đổi chủ đầu tư là việc chủ đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư phát triển đô thị cho một chủ đầu tư khác.
2. Việc thay đổi chủ đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu dự án, bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan, tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách (nếu có), pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.
3. Việc thay đổi chủ đầu tư cấp 1 phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Cơ quan có thẩm quyền quyết định lựa chọn hoặc giao chủ đầu tư thực hiện dự án là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc thay đổi chủ đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi tờ trình và các văn bản pháp lý có liên quan (05 bộ) về việc thay đổi chủ đầu tư đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói trên. Thời gian xem xét trả lời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ từ chủ đầu tư.
4. Chủ đầu tư mới phải bảo đảm có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.
Theo đó, việc thay đổi chủ đầu tư cấp 1 trong dự án đầu tư xây dựng đô thị cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo như quy định trên.
Thay đổi chủ đầu tư cấp 1 mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì bị phạt như thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 14 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị như sau:
2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Để chủ đầu tư thứ cấp thực hiện đầu tư xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc tiến độ dự án đã được phê duyệt;
b) Thay đổi chủ đầu tư cấp 1 mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản;
c) Không tổ chức khai thác cung cấp dịch vụ đô thị đảm bảo phục vụ nhu cầu của dân cư đến ở theo đúng mục tiêu của dự án cho đến khi chuyển giao cho chính quyền hoặc các tổ chức, doanh nghiệp quản lý dịch vụ chuyên nghiệp;
d) Không chuyển giao quản lý hành chính theo quy định;
đ) Chủ đầu tư dự án khu đô thị không thực hiện giám sát, kiểm tra kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp người dân tự xây dựng nhà ở trong khu đô thị trái phép; sử dụng công trình sai công năng và vi phạm các quy định về sử dụng nhà ở theo Luật Nhà ở.
Ngoài ra tại Điểm c Khoản 3 Điều trên quy định về biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Buộc xin ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
Như vậy, hành vi thay đổi chủ đầu tư cấp 1 mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng. Buộc xin ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền với hành vi vi phạm.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh