Vợ chồng có thể thỏa thuận người chồng sẽ trả nợ mà không có sự đồng ý của ngân hàng khi ly hôn được không?
Khi ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận người chồng sẽ trả nợ mà không có sự đồng ý của ngân hàng được không?
Căn cứ Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba:
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
Căn cứ Điều 370 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ như sau:
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.
Vì đây là khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân, nghĩa là nghĩa vụ tài sản của vợ chồng. Nên khi vợ chồng bạn muốn chuyển khoản nợ cho một mình chồng bạn trả thì phải có sự đồng ý của bên ngân hàng.
Khi Tòa án xem xét công nhận thuận tình ly hôn cho vợ chồng bên không mời người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến.
Căn cứ Khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo đó, ngân hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng Tòa án lại không đưa họ vào tham gia tố tụng. Đây được coi là một vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo Điều 371 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự như sau:
Người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự để yêu cầu Tòa án trên một cấp trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm, trừ quyết định giải quyết việc dân sự quy định tại khoản 7 Điều 27, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 của Bộ luật này.
Theo đó, việc thỏa thuận của hai vợ chồng bạn có ảnh hưởng đến quyền của ngân hàng, với tư cách là người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan thì ngân hàng có thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Chồng bạn không có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm vì đây là bản thỏa thuận giữa hai người, việc công nhận thỏa thuận của hai người chỉ có thể ảnh hưởng đến quyền lơi của ngân hàng nên ngân hàng có quyền kháng cáo.
Như đã phân tích ở trên, nếu ngân hàng kháng cáo, Tòa phúc thẩm sẽ hủy quyết định công nhận vì có sự vi phạm hoạt động tố tụng. Và phần thỏa thuận khoản nợ do chồng bạn trả cũng sẽ bị hủy bỏ nếu ngân hàng không đồng ý thỏa thuận này.
Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn
Căn cứ Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn như sau:
1. Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.
2. Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:
a) Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;
b) Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản này;
c) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này;
d) Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 61 của Luật này.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo